Ước mơ ấp ủ 45 nămTính từ ngày các liền anh, liền chị Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải rời đồng ruộng để vào đoàn quan họ đến nay đã 45 năm. Trong hơn 4 thập kỷ ấy, biết bao chuyện đã xảy ra. Vừa giữ câu hát, vừa lăn lóc lo đời sống qua những cái đận vất vả đến bây giờ chuyện ăn ở, sinh sống, vui chơi của họ đã nhẹ nhàng hơn. Chừng ấy tháng năm, liền anh Tự Lẫm, liền chị Minh Phức, Lệ Ngải chưa có một CD nho nhỏ nào để gọi là kỷ niệm...
Các nghệ sĩ Minh Phức - Lệ Ngải (thứ tư và năm từ phải sang) trong lần quay tư liệu truyền hình tại làng quan họ gốc Ngang Nội.
Nghe được tâm sự ấy từ dạo cuối năm 2009, chúng tôi cứ “rắp tâm” sẽ cùng các ông bà làm việc này. Hơn 1 năm ròng, mấy người cùng đợi và nhiều khi sốt ruột, có khi sốt sắng lắm cũng không đẩy việc bắt đầu được. Dạo sau khi tham gia biểu diễn trong Festival Huế hè 2010 về một thời gian, đã định bàn khởi động thì lần lượt vợ chồng nghệ sĩ Tự Lẫm, Minh Phức ốm.
Ở tuổi ngoài lục thập, ốm vừa thì mệt hàng tuần, ốm quá lên thì liêu xiêu nhiều tháng. Nghĩ lại cũng thấy có cái mừng - tất nhiên đã đau ốm thì chả đáng mừng chút nào - là lúc bà ốm thì ông giữ được sức khỏe, còn đến lượt ông mệt thì bà đã bình phục, để mà còn chăm nhau. Sau mấy cái đận nhọc người ấy thì vợ chồng nghệ sĩ Lệ Ngải lo cưới cho con, lại tốn hàng bao lâu quanh vào việc nhà.
Những dịp xuân hội, cưới xin, rồi cuối năm hay bất chợt lúc nào đó đi Bắc Ninh, tôi rẽ qua nhà gặp các ông bà, lại ngồi nâng lên đặt xuống những ước ao và cùng nhau an ủi, chờ đợi.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - Phó ban Biên tập NXB Âm nhạc, khi nghe tôi nói về giấc mơ CD quan họ cổ của các nghệ sĩ, thì hào hứng đón đợi. Ngặt nỗi điều kiện NXB cũng hạn chế, tìm kiếm một dự án được tài trợ thật không dễ.
May đến khi anh Ba Bé Đình Vũ- người làng quan họ gốc Đào Xá, học trò của các nghệ sĩ, cũng là người lặng lẽ luyện nghề bấy nay, vận động được một số nơi quen biết để có một khoản tạm gọi là vừa đủ cho các công việc và thủ tục, chứ cũng không dám mơ đến sự đầu tư phải tính bằng gần trăm, hàng trăm triệu cho mỗi ấn phẩm của ca sĩ bây giờ.
Gian nan hành trìnhViệc thu âm được bắt đầu vào cuối tháng 7.2012, khi thời tiết bớt gay gắt, đi lại Bắc Ninh - Hà Nội đỡ mệt. Trong khoảng một tháng, cuối tuần các ông bà lại đi xe buýt lên Hà Nội thu âm vì thường các ngày khác, cô giáo Lệ Ngải vẫn phải dạy hát ở trường trung cấp nghệ thuật của Bắc Ninh hoặc Bắc Giang, còn ông bà Lẫm - Phức hay phải trông cháu đỡ con gái đi làm. Đôi liền chị Minh Phức - Lệ Ngải, rồi đến đôi liền anh Tự Lẫm - học trò Đình Vũ, lần lượt thể hiện, toàn những bài phức tạp, khó hát, nhiều bài dài, đòi hỏi cả kỹ thuật, cả sức, cả sự ăn ý, bởi hát hai người đâu có như một người được, phải nghe nhau, lựa nhau mà hát. Hát chơi, giao lưu bên ngoài là một chuyện, nhưng vào phòng thu lại là một chuyện khác.
Bao năm qua, từ sau khi rời đoàn đầu những năm 90, các nghệ sĩ vẫn cứ bị… quên như thế! Nhưng họ vẫn âm thầm giữ những gì lấp lánh mình có được...
|
Tất nhiên, đó là ước mơ cho sự cầu toàn cần phải có đối với một ấn phẩm nghệ thuật. Còn thực tế, các nghệ sĩ cố gắng hết sức. Bởi để “khỏe khoắn tưng bừng” và thật thoải mái về tâm trí cho câu hát thì không phải khi nào cũng được.
Cuối cùng thì sự tình cũng đã hoàn tất sau chặng thời gian “tăng tốc” cuối năm 2013, các bản thu âm được hoàn chỉnh, giữ vẻ mộc mạc, chân chất dân gian, bìa đĩa được thiết kế, chỉnh sửa xong. Hẹn hò gặp gỡ giữa lúc ai cũng bận lu bu, nghe đi nghe lại đĩa gốc, bàn thảo sắp xếp, giới thiệu, chọn tên gọi, thống nhất 10 bài: “Tứ hải giao tình”, “Duyên phận phải chiều”, “Phùng quan xuân hội”, “Chim kêu gióng giả”, “Thơ thẩn tìm ai”, “Bóng quế giãi thềm”, “Xuông hời”, “Lênh đênh duyên nổi phận bèo”, “Hương gối đầu ghềnh”, “Lấy gì làm thú giải phiền”.
Ai cũng chỉ sợ không kịp có ấn phẩm trong dịp giáp tết, lại phải đợi qua với mấy ngày đầu năm, chớm vào xuân hội mới cầm đĩa trên tay, mới biếu tặng, chia vui thì quả là sẽ lỡ đi một nhịp. May mà sau rất nhiều cố gắng của cả êkíp và các nghệ sĩ, cuối cùng ngày 20.1, trước cả khi ông Công ông Táo về trời, đĩa quan họ cổ “La rằng” đã có một buổi ra mắt ấm cúng tại Hà Nội, trong nồng nàn chữ tình của người quan họ.
Mừng vì cuối cùng chúng tôi đã phần nào toại nguyện với CD quan họ cổ “La rằng”. Nhưng nghĩ thêm, cũng lại thêm những băn khoăn về bao nhiêu chuyện tương lai có thể làm mình day dứt. Một CD 10 bài quan họ cổ, các nghệ sĩ cũng phải mong ngóng khá ròng rã. Nếu có chương trình dài hạn hơn, ghi âm hàng trăm bài bản khác mà nghệ sĩ đang giữ trong mình, thì liệu còn phải đợi chờ lâu la, mòn mỏi đến mức nào.
Thậm chí để có được cơ hội chờ đợi cũng không dễ, cũng sẽ phải cơ bản trông vào sự tự lực. Nghệ sĩ Tự Lẫm chả có lần kể, khi chuẩn bị cho việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân quan họ, người ta hỏi ý kiến, nhận xét của ông về các cụ. Vì thế hệ đầu của đoàn quan họ đi học hát nhiều, gặp nhiều, biết nhiều trong các làng quan họ. Nhưng như thế, ý kiến xong rồi, thì không thấy những người hỏi liên lạc lại gì nữa cả. Cái dịp Festival diễn ra lễ trao danh hiệu cho các nghệ nhân, đến cả một cái giấy mời tham dự ông cũng không nhận được. Đâu ham hố gì lợi lộc, nhưng người nghệ sĩ cần được ứng xử đàng hoàng!