Dân Việt

Đón đọc giai phẩm Nông thôn Ngày nay Xuân Tân Mão

03/01/2011 08:55 GMT+7
(Dân Việt) - Với chủ đề "Sông nước Việt Nam", giai phẩm dày 100 trang, in màu toàn bộ trên giấy couche sẽ đưa bạn đọc vào cuộc hành trình xuyên không gian và thời gian trên những ngọn nguồn Tổ quốc đang bừng bừng sức sống.

- Từ hình tượng sông nước như một góc nhìn độc đáo, giai phẩm đi vào những chủ đề đa dạng từ địa lý, kinh tế, môi trường, lịch sử, văn hoá nghệ thuật, du lịch… PGS-TS Trịnh Sinh nhìn lại những con sông làm nên văn minh Việt cổ, GS Dân tộc nhạc học Nguyễn Thuyết Phong nói về triết lý sông nước trong âm nhạc, hoạ sĩ Đỗ Đức luận về "Nước" trong tư duy của người Việt…; nhà văn Nguyễn Hiếu trải lòng với những cây cầu bắc qua sông Mẹ, GS-KTS Nguyễn Thế Bá nhận xét về Dự án thành phố bên sông Hồng, Thiếu tướng Phạm Chuyên ngẫm ngợi về sông và những tháng năm trai trẻ.

img
 

- Qua những nẻo bến bờ quê hương, nhà văn Dạ Ngân viết "Sông hiền", nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hồi ức về "Rạch Rập", nhà văn Nguyễn Quang Sáng cảm nhận về hò trên sông nước Nam bộ.

Với bài viết "Dòng sông con gái", nhà văn Chu Lai thử lý giải vì sao những thiếu nữ sống bên sông lại nổi tiếng vì sắc đẹp, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết về sông Gianh quê hương, nhà văn Ngô Thảo gợi một ý tưởng hay cho cầu Hiền Lương nối bờ Bến Hải, NSND Đào Trọng Khánh về với bến Tam Bạc (Hải Phòng); nhà thơ Thanh Thảo "Nhớ con sông quê hương" một thời của Tế Hanh, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cảm tạ làng quê đã ban tặng cho ông 2 bài hát bất hủ "Khúc hát sông quê” và "Những cô gái quan họ", nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khái lược cả một "Dòng chảy sông nước" trong âm nhạc Việt Nam…

- Giai phẩm NTNN Xuân Tân Mão còn đưa bạn đọc chu du tới những dòng sông huyền thoại trên thế giới: Nhà thơ Hoàng Hưng hành trình qua 5 khúc sông Hằng (Ấn Độ); TS Nguyễn Quang A theo miên man tâm tưởng từ sông Cầu đến sông Danube, nhà văn Vĩnh Quyền trở về kinh đô nước Việt cổ ở Hồ Động Đình - Trung Quốc; nhà thơ Vi Thùy Linh đắm say với sông Seine, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai kể kỷ niệm về những dòng sông ở Đức, Nepal, Banladesh mà cô có dịp đến…

- Đặc biệt, bạn đọc khó có thể bỏ qua truyện ngắn "Sông mịt mùng sương" của nhà văn Đỗ Chu, đẹp và lãng mạn như một bài thơ. Bút ký "Rau tập tàng" của nhà văn Nguyên Ngọc mang phong vị Tây Nguyên đặc sắc.

Trang thơ với sự hiện diện của các nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Y Phương, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn, Inrasara, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Chiến, Ngô Tự Lập…

Các văn nghệ sĩ nổi tiếng khác cũng chia sẻ nhiều ý tưởng hay trên giai phẩm Xuân NTNN: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hoạ sĩ Nguyễn Quân, TS Ngô Văn Giá, TS Lưu Khánh Thơ, đạo diễn Lương Tử Đức, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà thơ Nguyễn Tham Thiện Kế, nhà văn Di Li…

Phần hình ảnh phong phú và độc đáo với các phóng sự ảnh "Khát", "Nho Quế - dòng sông cổ tích", "Bồng bềnh chợ nổi Nam bộ", "Đời cầu", cùng những bức ảnh đẹp về sông nước với sự góp mặt của các tay máy NTNN: Xuân Trường, Lê Anh Tuấn, Lê Hữu Thọ cùng các cộng tác viên Dương Minh Long, Hoài Linh, Lưu Quang Phổ…

Giai phẩm NTNN Xuân Tân Mão - một món quà ấn tượng dành tặng bạn bè, người thân, gia đình trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.