Dân Việt

Vụ tử vong sau tiêm kháng sinh: Bé 5 tuổi liên tục kêu đau đầu, cầu cứu

ANTĐ 22/09/2013 09:42 GMT+7
Sau khi được y tá tiêm thuốc vào thẳng tĩnh mạch, vừa rút mũi tiêm ra, bé N. đột nhiên hét lên, kêu: “Mẹ ơi con đau đầu quá, cứu con với…”. Toàn thân bé có biểu hiện tím tái, nhịp thở gấp, khó thở, mắt mũi trợn ngược lên.
Như Dân Việt đã thông tin, sau khi tiêm mũi kháng sinh thứ 3 trong ngày, cháu Phạm K.N. (5 tuổi, trú tại Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng) đã tử vong. Gia đình bệnh nhi vô cùng bức xúc, yêu cầu lãnh đạo bệnh viện làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu N.

Sáng 20.9, hàng chục người thân của bé Phạm K.N. bức xúc tập trung ở khu vực nhà xác của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, yêu cầu các bác sỹ lý giải về cái chết tức tưởi của bé, sau 1 ngày điều trị viêm phổi thùy tại đây.

Chị Bùi Thanh Hương (SN 1982, mẹ đẻ của bé K.N) kể lại trong nước mắt: Sáng 19.9, bé N. được gia đình đưa sang Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khám bệnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ nơi đây chẩn đoán cháu bị viêm phổi thùy, nên yêu cầu gia đình cho cháu làm thủ tục nhập viện để theo dõi và điều trị. "Con tôi nhập viện trong tình trạng không sốt, hoàn toàn tỉnh táo, vẫn nô đùa bình thường, chỉ có biểu hiện ho”, chị Hương cho biết.
Chị Hương thẫn thờ bên thi thể con gái
Chị Hương thẫn thờ bên thi thể con gái
Khoảng 10h30 cùng ngày, bé N. được tiêm một mũi tiêm vào mông. Người nhà bệnh nhân được giải thích đó là mũi tiêm kháng sinh. Trước khi tiêm, bé N. không được kiểm tra phản ứng của thuốc. Sau khi tiêm xong, cháu hoàn toàn tỉnh táo và chơi ngoan.

Đến 14h cùng ngày, bé N. được chỉ định tiêm 2 mũi, một vào mông và một tiêm tĩnh mạch. Sau khi tiêm mũi tiêm vào mông, bé N. được y tá thử phản ứng thuốc kháng sinh trên vùng cẳng tay. Khoảng 10 phút sau, bé N. được y tá tiêm thuốc vào thẳng tĩnh mạch. Vừa hết thuốc, rút mũi tiêm ra, bé N. đột nhiên hét lên, kêu: “Mẹ ơi con đau đầu quá, cứu con với…”. Toàn thân bé có biểu hiện tím tái, nhịp thở gấp, khó thở, mắt mũi trợn ngược lên. Lập tức, bé N. được đưa vào phòng cấp cứu của khoa hô hấp để thở oxy.

14h25, thấy tình trạng của bé N. tiến triển xấu, các bác sĩ vội chuyển bé N. xuống Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

Theo phản ánh của mẹ bé N., quá trình điều trị ở khoa cấp cứu, có lúc thấy biểu hiện của bé N. đã đỡ hơn, nhưng sau đó, mỗi khi giật mình tỉnh giấc, bé luôn miệng kêu: “Mẹ ơi, con đau đầu lắm, cứu con với…”. Nhiều lần như thế, chị Hương đã phản ánh tình trạng của con với một bác sỹ trực tên là Đạt, nhưng vị bác sĩ này không kiểm tra mà nói rằng: “Không sao đâu, nó làm nũng mẹ đấy thôi…”.
Người nhà quây xung quanh Phó giám đốc bệnh viện, yêu cầu làm rõ nguyên nhân bé K.N. tử vong
Người nhà quây xung quanh Phó giám đốc bệnh viện, yêu cầu làm rõ nguyên nhân bé K.N. tử vong
Do còn ít đồ đạc của cháu N. tại Khoa hô hấp chưa được chuyển kịp lên Khoa hồi sức cấp cứu, thấy bác sĩ Đạt nói vậy, chị Hương vội vàng giao cho ông ngoại để ý cháu N. ít phút đi lấy đồ. Vừa trở về phòng bệnh với con, chị Hương nhận được thông báo, bé N. vừa bị sốc lại.

Cũng theo chị Hương, từ khi xuống khoa hồi sức cấp cứu, sau mỗi lần cháu giật mình tỉnh giấc, bác sỹ lại tiêm mooc-phin cho bé N.. Bé gái 5 tuổi luôn trong tình trạng hôn mê…

Rạng sáng 20.9, tình trạng sức khỏe của con có vấn đề; màn hình đo mạch, nhịp tim của bé N. chạy 1 đường thẳng băng, chị Hương hoảng hốt hỏi các bác sỹ nhưng chị không nhận được bất kỳ một câu trả lời nào về bệnh tình của con. Khoảng 7h30 ngày 20.9, gia đình chị Hương được các bác sỹ thông báo bé N. đã tử vong.

Ngay sau cái chết bất thường này, bệnh viện đã có cuộc gặp với các cơ quan chức năng gồm: Sở Y tế, cơ quan công an và đại diện người nhà bệnh nhi để giải quyết. Phía bệnh viện đồng ý hỗ trợ xe và cử cán bộ cùng người nhà đưa xác bé Nhi về nhà lo hậu sự. Bước đầu, gia đình đã đồng ý với phương án này. Nhưng ngay khi bệnh viện trao cho gia đình nạn nhân giấy báo tử, trong đó ghi nguyên nhân cái chết của cháu N là do “Sốc phản vệ/ viêm phổi nặng”, người nhà nạn nhân nhất quyết không đưa xác cháu bé về lo hậu sự, mà yêu cầu lãnh đạo bệnh viện làm rõ về cái nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu.

Trước sức ép của người nhà bệnh nhân, sự có mặt của nhiều cơ quan báo chí, ông Đỗ Mạnh Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và ông Vũ Văn Ngọ, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, buộc phải đứng ra gặp gỡ người nhà nạn nhân. Phía người nhà nạn nhân yêu cầu hai vị này giải thích rõ về nguyên nhân chết của bé N. và ghi lại nguyên nhân cái chết trong giấy báo tử. Sau gần 2 giờ đối chất, cuộc gặp giữa người nhà nạn nhân và hai vị lãnh đạo này không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Đến 16h ngày 20.9, trước sức ép của người nhà nạn nhân và báo giới, lãnh đạo của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, gồm: bà Vũ Thị Thủy, Giám đốc bệnh viện; ông Nguyễn Tuấn Tú, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn; ông Đỗ Mạnh Toàn, Phó giám đốc phụ trách hậu cần; ông Vũ Văn Ngọ, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, cùng với một số bác sỹ trưởng phó khoa, người nhà nạn nhân, báo giới… đã có cuộc trao đổi thẳng thắn.

Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, bé N. tử vong do sốc phản vệ. Vị Phó giám đốc chuyên môn khẳng định, tỷ lệ sốc khi tiêm kháng sinh này là 1/1000. Phía bệnh viện đã mời cơ quan pháp y đến làm việc, nhưng gia đình nạn nhân từ chối mổ tử thi. Về lĩnh vực chuyên môn, bệnh viện khẳng định đã làm đúng quy trình, thậm chí đã cẩn thận thử kháng sinh trước khi tiêm tĩnh mạch, trên thực tế, loại kháng sinh này không có yêu cầu phải thử trước khi tiêm. Ngay cả khi bệnh nhi bị sốc thuốc, quy trình cấp cứu cũng được tuân thủ đúng.

Giải thích về việc tiêm mooc-phin cho bệnh nhi, ông Nguyễn Tuấn Tú, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn khẳng định là nằm trong quy trình điều trị.

Về việc người nhà bệnh nhân phản ánh về thái độ của bác sỹ trực cấp cứu và yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vụ việc này, bà Vũ Thị Thủy, Giám đốc bệnh viện cho biết, nguyên nhân tử vong của cháu Phạm K.N sẽ chờ Hội đồng y khoa kết luận. Về phía bệnh viện, bà Thủy đã yêu cầu các y, bác sĩ liên quan viết tường trình, làm rõ trách nhiệm trong quá trình chăm sóc, khám, chữa bệnh cho bệnh nhân N.. "Nếu thấy ai sai sót, sai sót ở khâu nào, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc và thông báo đến gia đình bệnh nhân và các cơ quan báo chí", bà Thủy cho biết.

Trước mắt, phía bệnh viện sẽ cử cán bộ về gia đình bệnh nhi để hỗ trợ trong việc lo hậu sự cho bé, đồng thời hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng tiền mai táng phí. Sau khi lo hậu sự cho bệnh nhi xấu số, phía bệnh viện và gia đình sẽ bàn bạc, thống nhất giải quyết vấn đề sau. “Không phải bất cứ trường hợp tử vong nào chúng tôi cũng cho xe đưa về. Nhưng trường hợp này, chúng tôi cũng muốn chia sẻ mất mát với gia đình…”, ông Nguyễn Tuấn Tú, Phó giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng nói.