Dân Việt

70 tuổi, tôi trở lại thời kỳ nuôi con mọn

Phụ nữ thủ đô 02/03/2014 14:52 GMT+7
Những tưởng con trai lập gia đình thì tôi sẽ được nhàn tản. Nào ngờ, lúc trẻ thì nuôi con trai, giờ về già thì tôi lại đèo bòng thêm cháu nội.
Mẹ, mẹ lên thành phố ngay với chúng con. Bà nói khó để ông thông cảm. Về lâu dài con sẽ tính toán để ông bà bán nhà rồi chuyển hẳn lên đây.

Lần đó, tôi nhận được “chỉ thị” của con trai xong thì hộc tốc thu xếp việc nhà, lên thành phố luôn. Con trai con dâu tôi mới lập gia đình cách đây 1 năm. Gần hai tháng trước, con dâu vừa sinh con đầu lòng. Tôi lên thành phố chăm cháu nội tới lúc đầy tháng, vì còn vướng ông cháu ở quê nên không ở lại được lâu. Nào ngờ, vừa về được mấy bữa thì con trai lại “ới”.


Con dâu con trai tôi đều làm kinh doanh tự do. Thì ra, sau khi sinh con xong, nằm nhà lại sợ chồng không xoay xỏa nổi nên con dâu muốn trở lại buôn bán sớm. Thuê người giúp việc thì không yên tâm vì cháu còn trứng nước nên điều luôn bà nội lên trông con là thượng sách.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ đó, cháu nội, mới ngoài tháng mà gần như đã phải rời xa vòng tay mẹ. Hai bố mẹ cháu cứ sáng sớm tinh mơ đã ra khỏi nhà, đến tối rất muộn mới trở về. Ban đầu, con dâu còn thi thoảng tạt về nhà cho con bú, sau cũng thưa dần. 2 tháng tuổi, cháu cai sữa hoàn toàn còn tôi trở thành “mẹ” của cháu.

Gần 70 tuổi tôi trở lại thời kỳ nuôi con mọn, cũng lại lọ mọ tắp táp cho cháu, rồi đong từng ml nước pha sữa cho cháu bú bình. Tiếng là chỉ có một bà một cháu ở nhà nhưng tôi xoay như chong chóng cả ngày. Bình thường còn đỡ, lúc cháu không may ốm thì thôi rồi.

Có lần, cháu sốt cao, tôi tưởng sáng đó con dâu sẽ nghỉ ở nhà chăm con. Nào ngờ, cháu lấy cớ đã hẹn giao hàng nên không bỏ là mất mối làm ăn được. Sáng sớm, cháu đã vội vã ra ngoài, rồi dặn lại tôi nhẹ tênh: “Mẹ xem nếu cháu còn sốt thì gọi xe đưa cháu vào bệnh viện. Tiền con để trong tủ, bà cần bao nhiêu thì cứ lấy”. Ngày hôm đó, một bà một cháu nóng như hòn than, lếch thếch quắp nhau trong bệnh viện mà tôi ứa nước mắt thương cháu.


Lên một tuổi, cháu nội chỉ quấn quít với bà chứ không gắn bó nhiều với bố mẹ. Mẹ cháu gọi thì cháu quay lơ, bà chỉ khe khẽ vẫy là cháu tíu tít chạy tới. Cũng phải thôi. Cả ngày, cháu chỉ sống với bà. Đêm đến, nhiều khi mẹ về muộn, tôi lại cho cháu ngủ cùng. Thậm chí, có ngày nào được nghỉ ở nhà, con dâu cũng chỉ bế con được vài ba phút, sau đó lại xua con ra chơi với bà vì còn mải cộng sổ, đếm tiền rồi điện thoại tứ tán để “điều hành” mua mua bán bán từ xa.


Tôi là người nhà quê, ít hiểu biết. Nhưng, tôi cũng hiểu được rằng, đứa trẻ sớm phải xa bố mẹ sẽ không thể phát triển cân bằng. Thế mà, tôi nói thế nào, con dâu con trai cũng không thay đổi. Các con chỉ lo kiếm tiền. Buôn bán thì được, nhưng hễ ở nhà với con thì lại thấy lãng phí thời gian.


Linh tính của tôi quả không sai. Năm cháu nội 18 tháng, tôi thấy cháu có gì bất bình thường. Khả năng chú ý của cháu rất kém, cháu lại thường xuyên chạy nhảy, nghịch ngợm liên hồi, không có lúc nào yên. Đợi mãi mới có một buổi con dâu về sớm, tôi giãi bày với cháu sự lo lắng của mình. Tôi đề nghị con sắp xếp thời gian, đưa con đi khám chuyên khoa để xác định. Nếu là bệnh thì phải chữa luôn. Nghe vậy, con dâu tôi không những không lo, còn tỏ ra rất bình thản đáp: “Bà cứ lo thái quá. Trẻ con đứa nào chẳng hiếu động. Nó ăn rồi ngồi ì ra thì mới đáng sợ”. Con trai tôi lại trách: “Con đầu của con, cháu trai đích tôn của bà mà bà lại nỡ lòng nào trù ẻo cháu. Nhìn cháu khôi ngôi thế kia, đố ai bảo cháu có vấn đề”. Bị con dâu con trai mắng át, tôi chột dạ, lặng im. Nhưng, không hiểu sao, tôi vẫn thấy bất an trong lòng.

Đến năm 2 tuổi, tôi thấy biểu hiện bất thường của cháu ngày một rõ hơn. Bình thường ở nhà chỉ một bà một cháu không sao, nhưng chỉ cần cho cháu ra chơi cùng các trẻ khác mới thấy hết sự khác biệt. Cháu không chịu nghe lời người lớn, cứ chạy ầm ầm khắp nơi, khốn khổ tôi phải bở hơi tai chạy theo giữ lại tới đứt hơi vì sợ cháu gặp nguy hiểm.


Cuối cùng, thương cháu, tôi lọ mò nhờ người hỏi rồi giấu con ngầm đưa cháu đi khám. Bác sĩ kết luận cháu bị tăng động giảm chú ý, ngôn ngữ cũng phát triển chậm. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng trong đó có khả năng là do cháu ở nhà với bà quá lâu. Bà thì thương cháu nhưng già cả, không thể dạy dỗ và nói chuyện với cháu được. Bác sĩ khuyên nên cho cháu đi can thiệp để điều chỉnh hành vi càng sớm càng tốt.


Lần này, tôi lại phải nói chuyện với con. Tôi chỉ mong con hãy tỉnh táo. Tiền kiếm nhiều cũng quý, nhưng không thể bằng con được. Nếu bỏ lỡ cơ hội của con thì sau này, các con tôi có trở thành tỉ phú thì cũng sẽ phải ân hận cả đời. Lạ thay, con dâu tôi vẫn không tỏ ra hốt hoảng. Thậm chí, cháu vẫn không chịu tin con mình có bệnh.


Ban đầu, khi lên thành phố trông cháu, tôi chỉ nghĩ đi vài ba tháng rồi lại về quê với ông cháu. Giờ, thời gian vợ chồng tôi xa nhau đã tính theo đơn vị năm. Thi thoảng, gọi cho ông cháu ở nhà, thấy giọng ông có vẻ yếu hơn, tôi lo lắm. Nhưng, đón ông lên thì còn nhà cửa, vườn tược, gà vịt ở quê. Còn tôi, thương cháu nên nghĩ, kiểu gì mình cũng phải trụ lại để cứu cháu. Tôi mà “giãy” ra, về quê lúc này thì bố mẹ cháu sẵn sàng gửi cháu vào một nơi nào đó “khuất mắt trông coi”, bất chấp cháu có được chăm sóc tốt không chỉ để rảnh tay buôn bán.


Thật may mắn, có một chị hàng xóm cạnh nhà, nghe nói làm về ngành tâm lý gì đó nên hiểu bệnh của cháu. Chị dẫn tôi tới gặp một cô giáo để can thiệp. Từ đó, cứ 2 tiếng một ngày hai bà cháu lại tự thuê xe đến nhà để nhờ cô giáo dạy dỗ. Sau đó, buổi tối, tôi sẽ dựa vào giáo trình của cô đưa ra để tiếp tục dạy cháu tại gia. Nhưng, sức của tôi có hạn, dạy cháu chỉ nói được dăm phút đã mệt nên được chăng hay chớ.

Tại trung tâm cũng có nhiều cháu ở vào tình trạng như cháu tôi. Nhưng, gần như tôi là trường hợp duy nhất là bà nội già cả theo cháu đi học. Còn lại đều là bố mẹ các cháu đích thân đưa con đi. Nhìn các bố mẹ lo lắng cho con, thường xuyên bám sát cô giáo để hỏi han mà tôi ứa nước mắt. Con dâu con trai tôi lúc này chắc vẫn đang mải với một phi vụ kinh doanh nào đó. Các con đâu có biết rằng con mình đang rất cần có vòng tay của bố mẹ.


Nghe các cô giáo nói, hành trình của cháu tôi còn rất dài phía trước. Ngoài việc chuẩn bị tiền, thì gia đình phải chuẩn bị cả tinh thần, nhân lực để chăm sóc, đưa đón, đồng hành với cháu. Tôi nghe xong mà lo cho mình lo cho cháu. Năm nay tôi mỗi lúc một già, liệu còn có thể trụ được đến bao giờ.


"Ối giời, có đầu có đuôi, nuôi lâu khắc lớn. Chúng con đi kiếm tiền cũng là để nuôi cháu bà tốt hơn. Chứ giờ có cơ hội mà bỏ lỡ, thì sau này chết đói cả lượt bà ạ. Con có bận thì mới phải nhờ tới bà. Bà xem có gì tốt nhất thì cứ làm cho cháu. Tiền con không thiếu, bà không lo tốn kém".

Mới tối hôm qua, con dâu tôi lại tuyên bố một câu xanh rờn như vậy. Xong, cháu lên thẳng phòng mà quên mất mấy ngày rồi chưa nhìn thấy con. Tôi vào phòng mình, nhìn cháu nội đang ngủ ngon lành mà nước mắt chỉ trực trào.