Dân Việt

Mới chạm tới ngọn, bỏ qua phần gốc

Đức Hiếu 05/11/2013 06:56 GMT+7
“Tuy là dự thảo trình Quốc hội thông qua, nhưng tôi cảm nhận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới chỉ chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc” - đại biểu (ĐB) TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu trong buổi thảo luận ngày 4.11.
Đừng biến dự thảo luật thành “đạo luật chết”

Đồng tình với dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), song nhiều ĐB cũng khẳng định: Phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật quá rộng và rất khó phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. ĐB Siu Hương (Gia Lai) nhấn mạnh: “Về phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật, chủ yếu nên tập trung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Nếu không điều chỉnh lại về điểm này để phát huy tốt trong cuộc sống thì có thể trở thành “đạo luật chết”...”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận sáng 4.11.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận sáng 4.11.

Cùng quan điểm, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhận định: Phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật quá rộng, dẫn đến thiếu tính khả thi. “Cần bỏ quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vì việc này tại các doanh nghiệp tư nhân do chủ sở hữu quy định và họ quản lý căn cơ, có trách nhiệm cao” - ông Vẻ cho biết.

Đóng góp thêm ý kiến vào vấn đề này, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu rõ: Phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật cần xem xét và quy định thêm về việc sử dụng vốn đóng góp tài trợ, vì thực tế việc đóng góp các nguồn lực của nhân dân, của cộng đồng là rất lớn. “Nguồn đóng góp này không phải để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng mà để xây dựng cơ sở vật chất, các tiết chế văn hóa, lễ hội” - bà Hương khẳng định.

Tập thể chịu trách nhiệm, cá nhân “tha hồ” sai

Bàn về trách nhiệm người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đa số ĐB thống nhất là quy định của dự thảo luật còn chung chung, chưa mang tính răn đe, dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhưng trách nhiệm lại... chẳng thuộc về ai. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói thẳng: “Tuy là dự thảo trình Quốc hội thông qua, nhưng tôi cảm nhận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới chỉ chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc”.

ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng: “Về cơ chế phát hiện, địa chỉ, hình thức phản ánh lãng phí và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong kiểm tra, xử lý sai phạm, cấp có thẩm quyền cần xử lý rõ, công khai kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường vai trò của báo chí trong phát hiện đấu tranh chống lãng phí”.

Phân tích sâu hơn, bà Thúy cho biết: Việc ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm chỉ bị phê bình, khiển trách.

Một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước sai ngay từ khi ban hành thì chống lãng phí trong quá trình triển khai liệu còn có tác dụng gì.

“Nhiều quốc gia xác định trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định rất rõ ràng nên mọi quyết định được ban hành không dễ dàng như ở nước ta. Ở nước ta, dường như quyết định do cá nhân, nhưng hình thức là tập thể quyết, để rồi khi xảy ra chuyện thì tập thể chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả” - bà Thúy bức xúc.

Nhất trí với quan điểm này, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nhấn mạnh: “Để xảy ra thất thoát, lãng phí, ngoài nguyên nhân do cơ chế, chính sách thì vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là rất lớn. Do vậy, muốn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả thì cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng”.

Lấy ví dụ về thất thoát, lãng phí trong đầu tư công và quy hoạch đất đai, tuy là những vấn đề nóng trên các diễn đàn, nhưng chỉ thấy nói mà không ai phải chịu trách nhiệm, nếu buộc phải xử lý thì cũng chỉ xử lý nội bộ, nhẹ nhàng nên không đủ sức răn đe, ông Lâm đề nghị: “Về xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới mà trong đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách bị xử lý tùy theo mức độ xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời cũng phải có chế tài xử lý với người đứng đầu về kinh tế và biện pháp hành chính”.