Dân Việt

Háo hức đi xem diễn chèo

Thu Ngân – Trần Phượng 31/10/2013 06:24 GMT+7
Cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc (diễn ra tại Hải Phòng) đã đi gần đến đích. Các vở diễn tuy có làm mới về phương pháp thể hiện song vẫn giữ được hồn cốt chèo truyền thống. Nhờ đó, cuộc thi đã hút được khá đông khán giả tới xem.
Nỗ lực “làm mới” mình

Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 diễn ra từ 19.10 và sẽ kết thúc ngày 1.11. Cuộc thi khá sôi nổi vì có đến 17 đơn vị đăng ký tham gia với 24 vở diễn. Đây là dịp không chỉ để giới nghệ sĩ, diễn viên chèo gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, mà còn nhằm “đánh thức” sân khấu chèo vốn cùng chung số phận với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam, đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tạo sức hút đối với khán giả, như cải lương, tuồng, đờn ca tài tử…

Cảnh trong vở “Vương nữ Mê Linh” của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Cảnh trong vở “Vương nữ Mê Linh” của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Sau khi xem gần 20 vở diễn, điều khán giả cảm nhận rõ nhất là hầu như các vở đều thể hiện được sự dụng công, chăm chút chuẩn bị, không những thế, các nhà hát, đoàn chèo còn rất chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong việc “làm mới” mình. Điển hình như vở chèo “Ông vua hóa hổ” của Đoàn Chèo Hải Phòng được chọn mở màn cho đêm khai mạc cuộc thi.

Người xem chắc chưa thể quên năm 1987, đạo diễn Phạm Thị Thành đã dàn dựng cho Đoàn Chèo Hải Phòng vở chèo này từ kịch bản gốc của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ, gây được tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Bẵng đi gần 30 năm, tái diễn lần này, ngoài nội dung, các khâu khác đều được 2 đạo diễn là NSND Lê Tiến Thọ và nghệ sĩ Lại Đình Ngọc quyết tâm làm mới. Từ trang trí sân khấu đến thiết kế mỹ thuật, âm nhạc và múa… đều khá hiện đại.

Thêm vào đó, dàn diễn viên trẻ tài năng đã rất linh hoạt trong việc vận dụng tối đa các thủ pháp chèo truyền thống nhằm khai thác tính trữ tình, nhân văn sâu sắc của kịch Lưu Quang Vũ vào chèo một cách nhuần nhuyễn. Bởi vậy, với “Ông vua hóa hổ” lần này, mặc dù vở diễn có cấu trúc của kịch nói phương Tây, nhưng khán giả vẫn cảm nhận được hương vị độc đáo, riêng biệt của chèo do những giai điệu dân ca, xẩm, chầu văn, ca trù, trống quân, quan họ, đò đưa… kết hợp cùng nhịp điệu của đám rước tế lễ.

Kết thúc vở diễn, cả nhà hát như “vỡ òa”. Khán giả có tên Lưu Kim Chi ở quận Lê Chân chia sẻ: “Chúng tôi đi xem chèo là xem cái hồn cốt của nó, đó là chất dân dã, mộc mạc, là hình ảnh của các vai nữ chính, nữ lệch và sự hài hước của hề… từ đó mà thông điệp về nội dung ngấm vào người xem. “Ông vua hóa hổ” của Đoàn Chèo Hải Phòng đã làm được điều này, mặc dù nó được “làm mới” so với lần diễn trước”.

Tương tự, các vở chèo khác, như “Bắc Lệ đền thiêng”, “Đường trường duyên phận” (Nhà hát Chèo Việt Nam); “Nguyễn Công Trứ”, “Vương nữ Mê Linh” (Nhà hát Chèo Hà Nội); “Chuông ngân rừng trúc” (Nhà hát Chèo Hải Dương)… cũng khiến người xem cảm thấy “đã”, không ngớt vỗ tay; ở những cảnh diễn xúc động, nhiều khán giả rưng rưng lệ.

Có được điều này là bởi cả đạo diễn và diễn viên ở các đoàn chèo đều bỏ nhiều công sức tìm tòi, sáng tạo, khoác một chiếc áo mới cho sản phẩm của mình, nhưng vẫn giữ được những làn điệu chèo truyền thống vừa hay, vừa nguyên gốc chạm được vào trái tim khán giả.

Chẳng ai phụ chèo

Nghệ sĩ Lại Đình Ngọc- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng, Phó Ban tổ chức cuộc thi cho hay: “Từ đêm khai mạc đến nay, buổi diễn nào cũng chật cứng người xem. Nhà hát Tháng Tám chỉ có sức chứa 800 khán giả, đã phải kê thêm ghế phụ thành 1.000 chỗ ngồi, vẫn chưa đủ. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người Hải Phòng mà khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nơi có những “chiếu chèo” nổi danh cũng đổ về đây xem chèo, khiến khu vực trung tâm thành phố những ngày này giống như ngày hội vậy”.

"Tôi thực sự cảm động vì tấm lòng của khán giả dành cho Nhà hát Chèo Hà Nội. Trong 3 đêm thi của nhà hát gồm các vở “Nguyễn Công Trứ”, “Vương nữ Mê Linh” và “Nắng quái chiều hôm”, khán giả đều đến chật rạp, có người còn chấp nhận đứng suốt 3 tiếng để xem”.
NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội

Thế mới biết, người xem đâu có quay lưng lại với chèo, thậm chí còn nặng lòng với nó là khác. Chỉ có điều, muốn kéo khán giả đến với chèo, thì trước hết, người trong cuộc (bao gồm cả tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên) phải đắm đuối với nó.

Sự thực thì, ở cuộc thi lần này, bên cạnh những cái “được” như đã nói ở trên, vẫn còn bộc lộ những điểm yếu, đó là thiếu những kịch bản hay và những đạo diễn giỏi để tạo nên những vở diễn để đời.

Việc bí kịch bản hay cũng như thiếu đạo diễn xuất sắc cũng đồng nghĩa với việc nhiều nghệ sĩ không có cơ hội để tỏa sáng, còn công chúng thì thiệt thòi vì không có dịp được tiếp cận nhiều hơn với sân khấu chèo.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận xét: “Những ngày hội như thế này thật là tuyệt vời. Nó phần nào châm lửa cho tình yêu nghệ thuật truyền thống, để mỗi nghệ sĩ được “cháy” với nghề. Còn khán giả thì không phải tiếc nuối về những chiếu chèo đã từng nổi danh ở đồng bằng Bắc Bộ thuở nào mà đích thân được sống trong không khí tuyệt vời của nó”.