Việc học tập của Thịnh rất khó khăn, từ nhỏ cho đến lớp 12, em không có góc học tập cố định. Thường thì Thịnh học hay ôn bài ở bàn khách, trước hiên nhà, rồi sau sân vườn… Để nhìn rõ con chữ, em phải cúi gằm mặt, mắt cách sách vở khoảng 1cm. Nhìn em học bài, các bạn hay đùa là em “ngửi chữ”. Thịnh chia sẻ: “Khó khăn trong việc ghi chép nên em phải tìm cách lắng tai nghe thật kỹ tại lớp, sau đó mượn vở bạn về chép lại”.
Phạm Phú Thịnh luôn học bài trong tư thế “ngửi chữ”.
Ngoài ra, Thịnh luôn lấy tấm gương của người chị gái là Phạm Thị Thu Sen (sinh viên năm 4, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) để phấn đấu, nỗ lực. Thu Sen cũng bị cận loạn thị đến 13 độ nhưng học rất giỏi. “Chị dạy cho em phải gạt bỏ mọi tự ti, mặc cảm và lúc nào bản thân mình cũng luôn hướng về phía trước”- Thịnh bày tỏ.
Thầy Phan Nhật Đức, giáo viên chủ nhiệm 3 năm phổ thông của Thịnh, cho biết: “Thịnh rất thông minh, tư duy tốt, có trí nhớ nhanh. Trước đây, Trường ĐH Quảng Nam bảo em làm hồ sơ để được tuyển thẳng vào trường, nhưng Thịnh muốn thử sức ở môi trường khắc nghiệt hơn”.
Chị Lưu Thị Huệ - mẹ Thịnh, tâm sự: “Gia đình tôi làm nông, nhà có 3 sào ruộng, những lúc nông nhàn, tôi đi thu mua ve chai, còn ba nó đi làm thuê ở một xưởng gỗ. Ngày nhập học của Thịnh cũng sắp đến mà vợ chồng tôi cũng chưa biết sắp xếp thế nào vì gia đình đang phải chu cấp cho chị gái Thịnh học ở Sài Gòn. Còn em gái của Thịnh đang học lớp 11 nữa...”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng cậu học trò khuyết tật ấy 12 năm ròng “ngửi chữ” làm sáng lên tấm gương vượt khó học giỏi, từng bước chinh phục con đường học vấn của mình.