Ban đầu tưởng con bọ xít này đã chết khô vì nó bất động, chị Cúc lấy tay chạm vào lưng nó thì con bọ xít cựa quậy nên chị Cúc bắt bỏ vào túi nilon.
Theo quan sát, con bọ xít nhà chị Cúc bắt được lần này đã trưởng thành, bụng đói và có hình dáng, kích cỡ giống hệt những con bọ xít hút máu người mà nhà chị Cúc đã bắt được rất nhiều con trong năm 2012. Theo đó, con bọ xít có 3 đôi chân, vòi chích dài, cứng và nhọn, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu, phần bụng dẹt và to, rìa bụng có 5 viền màu vàng, toàn thân màu nâu đen.
Phần bụng con bọ xít hút máu người dẹt và to.
Theo nghiên cứu của Khoa Côn trùng của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, những con bọ xít hút máu người mà người dân phát hiện tại TP. Quy Nhơn đều thuộc giống Triatoma Laporte 1832. Giống bọ xít này có nguồn gốc Nam Mỹ nhưng các nhà khoa học xác định là đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm trước.
“Từ khi đoàn cán bộ Khoa Côn trùng của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn phun hóa chất năm 2012, thời gian qua nhà tôi không còn phát hiện bọ xít trong nhà. Thế mà chiều nay tôi lại thấy và bắt được nó (bọ xít) ở ngoài sân. Đối với tôi thì nó quen thuộc và chẳng có gì phải sợ vì tôi thấy và bắt hoài.”