Sáng 13.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về Dự án Luật Phá sản sửa đổi.
Một nội dung mới được nhiều đại biểu quan tâm là điều 3 dự án luật quy định: “Doanh nghiệp (DN), hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội QH đặt vấn đề: “Ban soạn thảo lấy căn cứ nào để quy định nợ 200 triệu đồng quá 3 tháng có khả năng thanh toán bị lâm vào tình trạng phá sản?”. Ông Nguyễn Văn Hiện– Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp QH bổ sung: Phải căn cứ vào vốn của từng DN, với DN có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ, ngàn tỷ mà nợ 200 triệu đồng, 3 tháng chưa thanh toán mà phá sản là vô lý, không phù hợp. “Cần phải căn cứ % khoản nợ trên số vốn của DN, chứ không nên theo con số cụ thể, 3 tháng cũng phải cân nhắc, có ngắn quá không”– ông Hiện nói.
Ông Hiện kiến nghị thêm, là cần áp dụng cả với DN nhà nước không thể phân biệt DN nhà nước với các thành phần kinh tế khác. Đối tượng áp dụng phá sản phải chung chứ không thể ưu đãi DN nhà nước thành một chương riêng. “DN nhà nước cũng phải bình đẳng, chứ không phải mở thủ tục phá sản riêng, bỏ Điều 25 đi, làm thành điều chung để tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế” – ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách QH bổ sung ý kiến.
Phát biểu giải trình, ông Đặng Huy Đông– Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (thành viên ban soạn thảo) cho rằng: Quy định số tiền nợ 200 triệu đồng, quá 3 tháng không trả là lâm vào tình trạng phá sản là phù hợp. Bởi quy định này vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. “Tại sao anh có tài sản hàng trăm tỷ, nghìn tỷ lại có khoản nợ nhỏ như 200 triệu đồng mà không trả được. Một DN đang hoạt động bình thường không ai mong muốn phá sản” – ông Đông nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước nêu ý kiến, luật nên quan tâm đến người lao động vì họ là đối tượng bị thiệt thòi, mà lỗi thì không phải do họ gây ra. Về việc cơ quan tiến hành giải quyết, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật quy định chỉ giao cho TAND cấp tỉnh xử lý là không phù hợp, không đúng với định hướng cải cách tư pháp là phần lớn các vụ án giao cho cấp huyện xét xử, giảm bớt việc cho TAND cấp trên.