Dân Việt

Người khác biệt kể chuyện đời bằng ảnh

Xuân Trường - Ảnh: Lê Tâm. 13/09/2013 15:46 GMT+7
Nhà bát giác ở vườn hoa Nhà Kèn (Hà Nội) những ngày này đang trở thành tâm điểm của những nỗi lòng cần chia sẻ. 108 bức ảnh của những số phận thật đặc biệt đang kể cùng nhau chuyện đời.

Chiều 12.9, trời Hà Nội vẫn mưa, nhưng ở vườn hoa Nhà Kèn, vẫn thật ấm áp và vui vì những con người có hoàn cảnh đặc biệt đã cùng có mặt, để cùng chia sẻ với nhau về những khoảnh khắc họ có được trong đời.

Triển lãm ảnh “Một tôi khác” với 108 bức ảnh và câu chuyện của những người khuyết tật, người sống chung với H, người cai nghiện ma túy, người bán hàng rong, người đồng tính, song tính và chuyển giới, người dân tộc thiểu số, công nhân di cư…

img

img
Một góc triển lãm “Một tôi khác”.
Những con người yếu thế ấy được cất lên tiếng nói của mình thông qua hình ảnh khi tham gia chương trình Photovoice do viện Nghiên cứu Xã hội , Kinh tế và Môi trường (ISEE) phối hợp với 15 tổ chức xã hội Việt Nam đang được trình bày tại công viên Lý Thái Tổ (Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Nước mắt của Bo - bạn thanh niên 18 tuổi khóc trên bờ kè trong đêm (ảnh YuKi – TP Hồ Chí Minh) khi Bo bị gia đình đuổi đi vì phát hiện em “có tình cảm” với một người cùng giới. Bo mắc “cái tội” của tạo hóa, để chính những người thân yêu nhất của em cũng không chấp nhận.

Tác giả bức ảnh thốt nên hay đúng hơn cầu khẩn: “Phải chi mà cha mẹ chấp nhận mình, đừng có hắt hủi con mình”. Khi Bo khóc trong đêm, chắc ở nhà, cha mẹ em, những người thân của em cũng đang… khóc. Phải chi xã hội hiểu hơn họ - những người đồng giới để chấp nhận họ.

Bộ ảnh của những người đồng giới với ngôn ngữ tạo hình rất ấn tượng như tiếng lòng từ sâu thẳm con tim của người trong cuộc khiến người xem có cảm áy náy “hình như chúng ta đã không phải với họ”. Bộ ảnh khiến người ta nhớ đến những bức ảnh của Maika Elen nhưng có lẽ sâu thẳm hơn bởi cái nhìn của người trong cuộc. Thông điệp từ bộ ảnh thật đẹp, đầy nhân văn ấy lại đầy xót xa: “Chúng tôi là người sao không được là NGƯỜI như những người khác?”

Nụ cười của Lan (Ảnh Mai Hải Anh – Hà Nội) tác giả và người trong ảnh đều nhiễm HIV. Lan cười rạng rỡ bên những người đồng nghiệp không nhiễm H, việc tạp vụ của cô thật bình thường nhưng với cô được làm việc giữa mọi người là một hạnh phúc thật lớn.

Cuộc chiến với “căn bệnh thế kỷ HIV” đã qua bao năm tháng để chúng ta hiểu hơn về nó, để một bộ phận người nhiễm H nhận được sự thông cảm, sẻ chia để cùng chung sống. Giá mà chúng ta không còn coi H như căn bệnh thế kỷ, hẳn sẽ có thêm nhiều nụ cười như Lan có thay cho nước mắt của họ, đặc biệt là trẻ em không may nhiễm H.

Thật ngỡ ngàng khi xem bộ ảnh của những người khiếm thị, không ít người xem đã “chất vấn” ban tổ chức: Tác giả những bức ảnh này có mù thật không? Bà Lương Thị Ngọc- Phó Giám đốc ISEE cho biết: “Chúng tôi quyết định không cắt cup chút nào những bức ảnh do người khiếm thị chụp, để mang đến cho người xem những không gian ánh sáng mà họ đã cảm nhận được”.

Huỳnh Hữu Cảnh- một người khiếm thị ở Bình Dương đã tham gia dự án cho biết: “Sau khi được sự hướng dẫn nhiệt tình của các chuyên gia và nhóm sinh viên tình nguyện, chúng tôi cùng nâng máy lên đặt trước mắt. Tuy không gian trước mắt là một khoảng tối đen nhưng chỉ sau một cái bấm máy, chúng tôi đã ghi lại được những khoảng khắc cuộc sống thật sống động”.

Bộ ảnh của những người khiếm thị thực sự là một thành công cực kỳ độc đáo của những nhà tổ chức. Nó không chỉ là “cái nhìn” của người trong cuộc mang lại sự khâm phục mà còn cho người xem thấy – bằng hình ảnh những “vùng tối” rất sáng trong tiềm năng của mỗi con người.

Còn rất nhiều những câu chuyện xúc động mà người xem có thể cảm nhận được từ cuộc triển lãm ngoài trời này. Tất cả các bức ảnh sẽ được trưng bày trong một không gian mở hoàn toàn tại vườn hoa Nhà Kèn (Công viên Lý Thái Tổ) Hà Nội từ 8 đến 22 giờ hàng ngày, từ 13 đến 22.9. Hãy đến, xem ảnh và trải nghiệm những cuộc đời khác biệt của những người khác biệt.