Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để phát huy nỗ lực của ASEAN trên 3 trụ cột Cộng đồng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối khu vực; đặc biệt, cần tập trung thực hiện 227 biện pháp ưu tiên để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào 2015, đồng thời nỗ lực thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác kinh tế với các đối tác và xây dựng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cần đẩy mạnh triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC)...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN tại phiên khai mạc sáng 9.10.
Ngoài ra, ASEAN cần đoàn kết, thống nhất, chủ động tăng cường xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, nâng cao giá trị và hiệu quả thực thi của các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có ở khu vực. Về định hướng Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Tầm nhìn ASEAN sau 2015 cần thể hiện tính chiến lược và dài hạn, với những định hướng vĩ mô nhằm đưa Cộng đồng ASEAN phát triển cao hơn và trên cả 3 trụ cột Cộng đồng, với vai trò, vị thế và tầm ảnh hưởng lớn hơn, ngày càng có trách nhiệm trong xử lý các vấn đề của khu vực và quốc tế.
Về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ASEAN càng cần phải tiếp tục đoàn kết, phát huy vai trò chủ đạo và tiếng nói chung về Biển Đông trên cơ sở Tuyên bố 6 Nguyên tắc của ASEAN; ủng hộ ASEAN - Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC và Tuyên bố chung Cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, sớm đạt được Bộ Quy tắc COC.
“Cộng đồng ASEAN cần lấy người dân làm trung tâm”, khuyến khích sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng hơn nữa của các tầng lớp xã hội vào sự phát triển của ASEAN, để người dân khu vực thật sự là chủ thể của Cộng đồng ASEAN”.
|
Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc cần phải nỗ lực để duy trì được đà tích cực này và thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm có COC. Trong quá trình này, ASEAN cần đoàn kết và chia sẻ với Trung Quốc quan điểm chung của mình như đã thống nhất, trong đó nhấn mạnh COC cần phải là một Bộ Quy tắc mang tính tổng thể và có giá trị ràng buộc, được nâng cao lên từ DOC, bao gồm các nguyên tắc và quy định về ứng xử của các bên, cũng như các cơ chế nhằm ngăn chặn, quản lý và giải quyết các rủi ro, sự cố và các xung đột có thể xảy ra, nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Cùng với mục tiêu đó, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả tất cả các nguyên tắc và quy định của DOC; đồng thời có thể xem xét và triển khai một số những sáng kiến đã được đề xuất như tìm kiếm cứu hộ, lập đường dây nóng, hỗ trợ nhân đạo người và tàu thuyền gặp nạn trên biển, cũng như những hoạt động xây dựng lòng tin khác…