Điệp khúc "được mùa, mất giá"Vụ hè thu năm nay, nông dân trồng ngô lai ở vùng biên giới An Giang như An Phú, Tân Châu khá hồ hởi vì trúng mùa, năng suất đạt tới 10 - 12 tấn/ha. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì thương lái vào mua hạ giá đến 600 - 700 đồng/kg. Anh Phạm Văn Giáp- nông dân ở xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang, cho biết: "Năm nay con nước thuận lợi, vụ hè thu gia đình trồng 1,2ha ngô lai giống 6327, 955 cho năng suất cao tới 11 tấn/ha. Chưa kịp mừng thì thương lái vô mua hạ giá còn có 4.800 đồng/kg, thấp hơn đến 700 đồng/kg so với vụ đông xuân". Do giá thu mua giảm nên lợi nhuận của gia đình anh cũng bị giảm mất 7,7 triệu đồng.
Nông dân xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hoạch bắp lai vụ hè thu 2013.
"Đất tốt trồng được tới 11 - 12 tấn/ha còn đỡ, nhà tôi cũng trúng mùa nhưng năng suất chỉ đạt khoảng 8 tấn/ha. Trong khi giá thương lái thu mua giảm tới 1.200 đồng/kg so với 3 tháng trước, hiện còn có 5.100 - 5.200 đồng/kg, nên nhà tôi thất thu tới gần 10 triệu đồng, lợi nhuận còn có 17 triệu đồng/ha”- chị Lưu Thị Bạch Mây ở xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, buồn bã nói.
Nông dân các tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gặp tình trạng tương tự. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, ngoài số diện tích nhỏ ngô bị thiệt hại do dịch bệnh, sử dụng giống ngô lạ, còn lại đều đạt năng suất cao, bình quân từ 7- 8 tấn, có hộ đạt tới 9 tấn/ha. Tuy nhiên do giá giảm nên nông dân chỉ lời khoảng 15 triệu đồng/ha. Nhiều hộ mất cả lời nếu phải đi thuê đất, thuê nhân công gieo hạt, thu hoạch và vay tiền mua giống, phân bón.
Chuyển sang trồng ngô lấy thânNhiều huyện ở Đồng Nai, Lâm Đồng, nông dân trồng ngô lai lấy hạt bị dịch bệnh, bắp không có hạt, giá cả lại bấp bênh, nên đã chuyển sang trồng ngô lấy thân cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc.
Trồng ngô lấy thân chỉ cần 80- 85 ngày là thu hoạch, mỗi năm có thể canh tác nhiều vụ mà ít tốn chi phí đầu tư hơn nên mô hình này đang khá hấp dẫn nông dân.
|
Ông Nguyễn Văn Đăng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây nhiều hộ nông dân ở Xuân Phú, và các xã lân cận như Bảo Hòa, Suối Cát, Long Minh đã chuyển sang trồng ngô lấy thân. "Thực tế mô hình trồng ngô lấy thân khỏe hơn trồng ngô lấy hạt nhiều. Bà con chẳng phải quá lo lắng về thời tiết, bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô hạt. Đặc biệt, trồng ngô lấy thân chỉ cần 80 - 85 ngày là thu hoạch (trong khi ngô lấy hạt là 100-105 ngày), mỗi năm có thể canh tác nhiều vụ mà ít tốn chi phí đầu tư hơn nên mô hình này đang khá hấp dẫn bà con"- ông Đăng phân tích.
Anh Trần Thanh Hải có 1ha trồng ngô lấy thân ở Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết vừa bán 50 tấn thân cây cho thương lái với giá 900 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi 25 triệu đồng, cao hơn trồng ngô lấy hạt từ 5 - 10 triệu đồng/vụ. Trồng ngô lấy thân lại có thể trồng 4 vụ năm (nhiều hơn ngô lấy hạt 1 vụ) nên tổng thu nhập cả năm cao hơn 60 triệu đồng.
Hầu hết thương lái thu mua thân ngô về cung cấp cho các công ty chế biến thức ăn gia súc. Còn tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng thì nông dân trồng ngô lấy thân làm thức ăn cho bò sữa. Ông Lê Văn Sang ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng có 1,2ha đất ruộng chỉ chuyên trồng ngô lấy cả bắp lẫn thân để cung cấp thức ăn cho 8 con bò sữa của gia đình. Còn thừa một ít ông bán ra ngoài cho các hộ lân cận thiếu thức ăn nuôi bò với giá 800 - 1.000 đồng/kg, cũng thu lợi khoảng 10 triệu đồng/vụ.