Là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Dao Trắng lớn (chiếm khoảng 70% dân số), Trung Tâm từng được biết đến là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì huyện Lục Yên. Xã nằm cách trung tâm huyện gần 50km, trước đây đời sống kinh tế của người dân rất khó khăn, quanh năm chủ yếu tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi mang tính tự cung, tự cấp. Để từng bước thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn, những năm gần đây xã Trung Tâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội, trong đó chú trọng phát huy những tiềm năng tự nhiên sẵn có, tuyên truyền vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng kinh tế.
Rừng kinh tế đang đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân xã Trung Tâm.
Ông Lý Văn Quy - Chủ tịch UBND xã Trung Tâm cho biết: "Từ khi Lâm trường Lục Yên chuyển giao rừng tới các hộ dân thì bà con nhân dân đã tập trung trồng rừng và đạt được những hiệu quả bước đầu. Đến nay cùng với cây chè, trồng rừng kinh tế là một trong những thế mạnh giúp nhân dân thoát nghèo và làm giàu".
Với 13 thôn bản, địa hình chủ yếu là đồi núi, chính quyền và nhân dân xã Trung Tâm đã tận dụng tối đa những diện tích rừng sẵn có để phát triển trồng rừng. Mặc dù nằm cách xa trung tâm xã nhất nhưng thôn Khe Hùm được biết đến là thôn có nhiều rừng, nhiều hộ giàu nhất nhờ phát triển trồng rừng kinh tế. Anh Bàn Văn Báo- Trưởng thôn cho biết: Thôn có 74 hộ với trên 350 nhân khẩu, 100% người dân là dân tộc Dao Trắng, hiện nay toàn thôn đã mở rộng được trên 200ha rừng kinh tế chủ yếu tập trung ven hồ Thác Bà, với các loại cây trồng chính như keo, bồ đề, mỡ... Hộ ít cũng có 2-3ha rừng, hộ nhiều có tới 8 - 10ha...
Cùng với trồng rừng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất gỗ bóc nhằm tận thu nguồn nguyên liệu sẵn có. Hiện nay toàn xã có 6 xưởng gỗ bóc, hàng năm không chỉ đem lại doanh thu khá mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
|
Đi đầu trong phong trào trồng rừng ở thôn này là hộ ông Nguyễn Văn Các, với hơn 10ha rừng kinh tế. Qua 2 đợt bán gỗ, ông đã thu về trên 50 triệu đồng. Ông Các chia sẻ: "Tôi bắt đầu trồng rừng từ năm 2000. Hiện tôi thấy trồng rừng hiệu quả hơn hẳn so với trồng trọt và các cây trồng khác, chính từ rừng mà gia đình tôi đã khá giả hơn".
Theo khảo sát, mỗi năm từ trồng rừng kinh tế, hộ ít trong thôn cũng thu được khoảng 20 triệu đồng, hộ nhiều nhất được cả trăm triệu đồng. 8 tháng đầu năm 2013, nhân dân trong xã Trung Tâm đã trồng được trên 220ha rừng kinh tế. Các cây keo, bồ đề, quế tiếp tục là các "cây mũi nhọn" được bà con chọn trồng.