Dân Việt

Phận đời phụ nữ thôn, bản ly hương: Kỳ cuối

Minh Nguyệt 08/01/2014 06:44 GMT+7
Rất nhiều chị em, cho tới tận khi được giải cứu mới ngơ ngác vì mình bị lừa bán qua biên giới. Các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về hành vi lừa đảo, nhưng số nạn nhân vẫn tiếp tục tăng.
Lừa đảo dễ như trở bàn tay

Là địa bàn giáp biên (phía Bắc giáp thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc), buôn bán sầm uất, vì vậy không khó hiểu vì sao Lào Cai lại là điểm nóng về tình trạng buôn bán người. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó phòng Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm (Công an tỉnh Lào Cai) cho biết, những nạn nhân của nạn buôn bán người mà công an Lào Cai tham gia giải cứu, xử lý đến từ khắp mọi nơi trong cả nước. Họ đến từ Lào Cai, Yên Bái và từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đăk Lăk, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ...

img

Trao trả nạn nhân và đối tượng buôn bán người ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Phóng viên trực tiếp khảo sát khu vực vùng biên nơi cửa khẩu quốc tế Lào Cai và nghe phân tích của ông Nguyễn Hữu Hải - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lào Cai, mới thấy hết sự phức tạp về địa hình và tình hình của khu vực này. “Nghị định 29 quy định việc ra vào khu vực vùng biên phải đăng ký, nhưng vì vùng biên nơi đây nằm trong địa phận thành phố, nên việc kiểm soát của các lực lượng biên phòng trở nên rất khó khăn’’ - ông Hải chia sẻ. Đường giáp biên nhạy cảm, cộng với khu vực tiếp giáp biên giới do đồn kiểm soát khá dài (lên tới 16.595m), mỗi ngày có hàng nghìn lượt người qua lại cửa khẩu nên “nhận diện” được đối tượng buôn bán người và các nạn nhân là rất khó.

Mới đây, ngày 3.12.2013, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lào Cai đã phát hiện một vụ buôn bán người. trinh sát Nguyễn Văn Dũng - người trực tiếp khám phá và bắt giữ đối tượng buôn bán người trong vụ án này cho hay, ngay sau khi phát hiện có đối tượng quen thuộc xuất hiện nơi vùng biên, tổ trinh sát đã bí mật theo dõi. Đối tượng là Nguyễn Thị Hoa (quê Lào Cai), từng là một phụ nữ bị lợi dụng, bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Sau một thời gian, nếm đủ mọi trò đời, Hoa lại trở thành tú bà. Gần đây, Hoa liên tục xuất hiện ở khu vực vùng biên. Hôm đó, Hoa đi cùng một thiếu nữ. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, nhóm trinh sát biên phòng đã mai phục tóm gọn đối tượng, giải cứu Lò Thị H (21 tuổi, ở huyện Tam Đường, Lai Châu).

Qua đấu tranh, khai thác, nạn nhân H cho hay cô đã bị Hoa và một số đối tượng rủ rê đi chơi. Ngày 3.12, Hoa rủ H qua biên giới thăm người bạn rồi gạ cô ở lại làm việc. Hoa đưa H đi dọc bờ sông biên giới và báo đồng bọn bên kia sông chuẩn bị canô chờ sẵn. Khi Hoa vừa đưa H xuống bờ sông thì bộ đội biên phòng phát hiện và bắt giữ. Cho tới tận lúc đó, Lò Thị H vẫn không ngờ mình đang trở thành món hàng.

Thủ đoạn rất tinh vi

Tuy nhiên, theo Đồn trưởng Nguyễn Hữu Hải đây chỉ là một vụ án đơn giản. Nhiều vụ án, đối tượng hoạt động rất tinh vi, có tổ chức. Việc lừa đảo xảy ra ở những khu vực giáp biên có địa hình đồi núi hiểm trở như các huyện Bát Xát, Mường Khương... thì trinh sát rất khó phát hiện.

Thống kê của Công an tỉnh Lào Cai cho thấy, con số các vụ buôn bán người ở vùng biên của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Năm 2010, tổng số vụ điều tra khám phá là 18 vụ với 32 đối tượng, 26 nạn nhân. Năm 2011 là 31 vụ/64 đối tượng mua bán, tổng 142 nạn nhân. Năm 2012 là 37 vụ với 77 đối tượng và tổng số nạn nhân là 109. Năm 2013 (tính đến ngày 30.11) là 55 vụ/69 đối tượng và 93 nạn nhân.

Về phía Bộ đội Biên phòng Lào Cai - đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng chống loại tội phạm này cũng nhiều lúc... bó tay, dù cả năm phát hiện tới vài chục vụ việc. Ông Nguyễn Văn Thái – Trưởng phòng Phòng chống tội phạm và ma túy (Bộ đội Biên phòng Lào Cai) cho hay, trong năm 2013, tại Lào Cai có tới 55 vụ buôn bán người, nhưng mới giải cứu được 90 nạn nhân.

Các vụ án buôn bán người chủ yếu tổ chức theo các đường dây, mỗi đường dây có 5-6 đối tượng hoạt động, chưa kể những đối tượng cầm đầu. “Sở dĩ hoạt động buôn bán người lúc nào cũng “nóng” là bởi nhu cầu phía Trung Quốc rất lớn. Vì Trung Quốc thiếu phụ nữ nên một số cô bị bán sang làm vợ, còn phần đông bị bán sang làm nghề mại dâm tại các thành phố Mông Tự, huyện Mã Quang...”- ông Thái nói.

Tội phạm buôn bán người có thể không manh động và nguy hiểm như tội phạm ma túy, nhưng hành vi của chúng lại rất tinh vi, ranh ma, vì thế việc đấu tranh, truy bắt các đối tượng này thường mất nhiều thời gian và vất vả hơn. Có những vụ án kéo dài cả 3-4 năm mà quá trình điều tra vẫn không thể giải cứu nạn nhân. Trong khi đó, hậu quả của loại tội phạm này gây ra thường rất nặng nề, bởi nó liên quan tới nhân phẩm, giá trị của con người.

Thực tế quá trình điều tra, đại tá Nguyễn Văn Thái cùng đồng nghiệp đã gặp những vụ án rất phức tạp, bản thân ông cũng phải thừa nhận khả năng lừa đảo chuyên nghiệp của những kẻ tội phạm. Có khi các đối tượng phối hợp dùng điện thoại, Internet chat xin số rồi tán tỉnh các em gái, lúc quen thân thì rủ đi chơi và... bán. Có những vụ án các đối tượng còn nghĩ ra những chiêu thức mà ngay đến những đạo diễn chuyên nghiệp cũng không thể tưởng tượng ra, ví dụ như dựng kịch yêu đương, rủ đi thăm người ốm... “Cá biệt, có những trường hợp cậu bán cháu, chồng bán vợ... rất thương tâm”- ông Thái kể.

Trong năm 2013, Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã phối hợp với các lực lượng khác phá các chuyên án 434T và 431T. Đây là 2 đường dây buôn bán người hoạt động tinh vi, vì những kẻ cầm đầu đều là trí thức, sinh viên. Trong 3 tháng (tháng 6 tới tháng 9.2013), lực lượng chức năng giải cứu được 8/10 nạn nhân, bắt 6 đối tượng và truy nã 2 đối tượng.