Hồn thơ ấy giờ vắt vẻo nơi nào? Ngòi bút báo ấy vung lên để
chiến đấu nơi đâu?... Chỉ còn lại ầng ậng, ngơ ngác những nhớ thương.
Trong chuyến đi cuối cùng của Vọng Thanh về quê Thanh Hóa,
cái đêm vĩnh biệt anh trên đường Trần Phú, cổng viện Xanh - Pôn ấy có đủ đầy
những người đã, đang góp tay vào xây dựng gia đình Nông thôn Ngày nay: Anh Phan Huy Hà - Phó Tổng biên tập, anh Dương
Đức Nguyện - Phó Tổng biên tập, anh Trần Lê
Tuấn, Nguyễn Gia Tưởng, Nguyễn Việt Tùng, anh Lại Bá Hà (giờ đang công tác ở
Báo Kinh tế Đô thị) và Nam Hải (giờ đã sang Báo Phụ nữ Việt Nam).
Chuyến xe khuất nẻo, tôi mới thấy Minh Tâm của tôi có được điều mà những người đang đứng lặng trong đêm ấy khó có thể làm nổi: Anh đã và sẽ mãi mãi là người của Báo Nông thôn Ngày nay. Suốt cả một cuộc đời vật lộn với con chữ, với tình duyên, với cuộc đời, Minh Tâm ra đi thanh thản đến không ngờ bên vợ, bên những vần thơ viết dở giữa lúc (mà như anh nói) “việc khó đã làm xong” là sửa lại cho mẹ ngôi nhà ở quê để Tết này mừng thọ bà.
Giờ Vọng Thanh đã về xứ Thanh! Nhưng tôi vẫn còn hình dung ra con người của ngày tháng cũ ấy bằng những hình ảnh chập chờn của chuỗi ngày bước chân vào làm báo.
Nghe lời bố, tôi phải đi làm báo. Gặp Minh Tâm trong ngày đầu đến Báo Nông thôn Ngày nay để học làm báo, chợt thấy rằng muốn làm một thằng con biết nghe lời bố cho ra con người thật khó nhằn làm sao. Cả cái hình nhân chưa đầy 50kg hồi ấy cho tôi cái trân trọng duy nhất: Là thương binh, là lính chiến, là đồng đội của cha, của ông tôi. Còn những cái khác thì không thể… "ngửi" được: Bạ ai cũng gọi bằng thằng, bạ đâu cũng hỏi rượu và bạ thằng phóng viên trẻ cũng đòi đánh... chết thôi. Nghề làm báo chả nhẽ lại đưa con người ta đến cái nước này ư? Mà Minh Tâm lại chính người mà tôi được gửi gắm để học nghề báo mới thật ác chứ!
Nhưng rồi tôi phục Minh Tâm ngay từ lần đầu anh đọc bản thảo những bài báo của tôi. Đọc bản đầu, bản thứ hai… anh kê xuống ghế ngồi rồi bảo: “Như cái củ cải ông đây này” (“củ cải” theo từ điển riêng của Minh Tâm là từ vô cùng bậy). Nhưng đến một bản thì anh bảo: “Quá được. Riêng bài này thì chú là sư phụ của anh”… Minh Tâm là thế đấy! Với anh em phóng viên trẻ, anh không mượn cớ lão làng, ra oai để chê bai lớp trẻ mà chỉ chê khi đáng bị chê bai thật sự. Anh có sự sòng phẳng với những bài viết rất đáng trân trọng.
Rượu chè thì khật khừ nhưng tinh như quỷ, nhác nghe hóng hớt ở đâu đó có đề tài hay là quẳng chén, vớ lấy con xe Cub 81 cà tàng phóng đi ngay. Vì thế mới có bữa bị tôi úp mở trêu rằng đài hóa thân Hoàn Vũ do ít khách hàng đến thiêu xác nên đã tận dụng để… quay lợn. Thế là Minh Tâm lủi lủi rồi tót đi làm đề tài ấy ngay. Tinh như quỷ mà ngây thơ đến lạ! Về chuyện “làm trước, làm tranh” đề tài của người khác, Minh Tâm bị tôi với anh Trần Lê Tuấn, chú Minh Quang “giăng bẫy” - “lập mưu” hành hạ đủ vành nhưng Minh Tâm vẫn không sao bỏ được. Nhưng việc này, theo tôi thì đó lại là thế mạnh của anh hơn là tật xấu.
Rồi sau này, hai anh em đi công tác với nhau bao lần, cãi nhau bao lần, đuổi nhau xuống khỏi xe bao lần, còn cạch mặt nhau thì vô khối, tôi mới biết được rằng: Nhờ Minh Tâm mà tôi dám khẳng định, viết báo thì dễ vô cùng, nhưng làm nhà báo thì khó vô cùng. Viết báo chỉ cốt để đăng bài kiếm nhuận bút, còn làm nhà báo tức là mình đã đại diện cho một giá trị văn hóa, một giá trị đạo đức được công nhận để tác động đến rất nhiều người, cần một sự cẩn trọng đặc biệt. Chỉ một giây yếu lòng, một thoáng cẩu thả, một phút dễ dãi, một lần sa ngã… là mình làm hại đến hàng vạn, hàng vạn bạn đọc, mà tại báo Nông thôn Ngày nay thì đó chính là những người nông dân lam lũ.
Giờ anh đã đi xa
nhưng tôi vẫn nói giữa thanh thiên bạch nhật rằng: Anh quái dị vô cùng. Nếu
không ở gần anh, đi cùng với anh thì khó có thể nhận ra được. Con người thỉnh
thoảng lên cơ quan ve vãn chú Minh Quang: “Bác cho em xin chai rượu mang về
uống, nửa chai cũng được” ấy sẵn sàng rủ tôi móc sạch túi cho bà vợ bị thần
kinh, đau ốm của Trịnh Văn Khải (bị tử hình trong vụ án Làng Nhô) ở Kim Bảng,
Hà Nam nhưng không quên dặn: “Chừa lại mấy chục để mua xăng đi về”.
Trong lần đi
làm vụ phòng khám tư làm chết sản phụ tại Thái Nguyên, xong việc hai anh em
bỗng nhận được lời mời ăn cơm của một ông “cha vơ chú váo” nào đó có quen sơ sơ
với Minh Tâm. Cơm rượu no say thì nhà hàng mới bảo “Đã có người thanh toán”,
người thanh toán ấy là chủ phòng khám làm chết người, anh trai của cái ông “cha
vơ chú váo” kia.
Thế rồi, ông nhà báo khi ở cơ quan không bữa rượu nào của anh em là không có mặt nhưng lại quên… góp tiền đó bỗng nổi giận lôi đình, bắt nhà hàng phải nhận tiền mình trả, nếu không sẽ… đốt quán. Thế nhưng, sau khi bài báo ra đời, phòng khám vô lương tâm đó bị đóng cửa, Minh Tâm lại bảo “Nhuận bút bài báo ấy, tao lấy hết nhé, bù vào hôm nọ trả tiền cơm rượu”. Thật đúng là… Minh Tâm!
Trong những dòng
hoài niệm lan man này, tôi không thể quên được rằng: Báo Nông thôn Ngày nay đã cháy bùng
lên những ngọn lửa ấm áp đến thế nào qua mỗi kíp nạn của Minh Tâm. Khi Minh Tâm
gặp nạn, chuẩn bị phải phẫu thuật cách đây vài năm, cô Trương Thị Huế (cấp
dưỡng) tất tả chạy từ trên gác ra cổng, trên tay vẫn cầm cây chổi quét nhà, dúi
tiền vào tay tôi: “Cháu mang vào cho “thằng” Minh Tâm hộ cô nhé”… Còn
nhiều tấm lòng thơm thảo, ấm nồng như thế ở Báo Nông thôn Ngày nay lắm.
Với Minh Tâm, Nông thôn Ngày nay là gia đình, là động lực sống, là gần như tất cả những gì anh có (hoặc những gì anh có là do Báo Nông thôn Ngày nay mang đến). Trong hai lần phẫu thuật cận kề cái chết, số điện thoại người thân để liên hệ khi có biến cố là số của hai người Báo Nông thôn Ngày nay (Trần Lê Tuấn và Nam Hải), người làm mối mai cho anh có một gia đình và đứa con cũng là người Báo Nông thôn Ngày nay (nguyên Phó Tổng biên tập Nguyễn Thị Nhũ). Những năm tháng cuối, dù không đóng góp gì nhiều nữa nhưng anh vẫn được anh Lưu Quang Định - Tổng Biên tập - đặc cách chỉ đạo chi trả đầy đủ tiền lương của Báo Nông thôn Ngày nay để sống, để nuôi con…
Hồn thơ đã khuất nẻo bên trời! Vọng Thanh chẳng còn phải mơ về làng cũ, Báo Nông thôn Ngày nay giờ đã không còn phơ phất một hình bóng thân quen… Minh Tâm đi nhé! Anh em sẽ không khóc Minh Tâm nữa đâu bởi thấy anh em khóc, ở đâu đó phía bên trời kia, có lẽ Minh Tâm lại buồn.