Có lẽ ở làng Lâm Lộc, Tịnh Hà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi không ai không biết gia đình ông Võ Cừ. Đây là một gia đình đặc biệt có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động cách mạng của địa phương.
Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, ông Võ Cừ cùng 2 em là Võ Bình, Võ Dũ trở thành những đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương và được cấp trên chuẩn y thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Lâm Lộc.
Từ trái sang phải: Ông Võ Phấn, Võ Thứ và Lê Đồng. |
Từ đó, ông Võ Cừ tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ thanh niên và kết nạp nhiều người vào Đảng, trong đó có Võ Nhiếp - em ruột ông. Giữa năm 1945 khi Huyện uỷ Sơn Tịnh được thành lập do người con của ông là Võ Phấn làm Bí thư Huyện uỷ thì nhà ông trở thành cơ quan Thường trực của Uỷ ban Khởi nghĩa huyện và cũng là cơ quan giao tế của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi.
Từ năm 1942-1945, gia đình ông Võ Cừ có 4 người bị thực dân Pháp đày đi căng an trí Ba Tơ, gồm: Con trai Võ Phấn, em ruột Võ Nhíp, con rể Nguyễn Cừ (Nhạn) và cháu Lê Đồng (con người em gái). Ngày 9-3-1945, Nhật hất cẳng Pháp, ông Võ Cừ cử con mình là Võ Huynh (Võ Thứ - cha đẻ Đại tá Võ Minh Ấn) lên báo tin cho anh trai và các đồng chí ở Ba Tơ biết.
Khi đến nơi, Võ Huynh được bổ sung ngay vào ban khởi nghĩa. Ngày 11-3-1945, khởi nghĩa Ba Tơ thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, Đội du kích Ba Tơ ra đời. Như vậy trong số 17 người tham gia đánh chiếm đồn Ba Tơ đêm 11-3-1945 thì gia đình ông Võ Cừ có 5 người (Võ Phấn, Võ Thứ, Võ Nhíp, Nguyễn Nhạn (Cừ) và Lê Đồng)...
Là những hạt giống đỏ, gia đình ông Võ Cừ được Đảng, quân đội hết sức trân trọng. Ngoại trừ ông Nguyễn Nhạn hy sinh, các thành viên khác của gia đình đã tham gia cách mạng đều tập kết ra Bắc năm 1954 và vào lại miền Nam hoạt động, năm 1964, ông Võ Phấn làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi. Hiện nay trong số 5 cựu du kích Ba Tơ ngày ấy còn lại ông Võ Phấn tuổi đã 97 tuổi, sống tại TP. Quảng Ngãi.
Hà My