Ổn định cuộc sống với nghề biểnChúng tôi có mặt tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) vào sáng tinh sương, hàng trăm tàu cá đang neo đậu tại cảng. Hỏi ra mới hay hôm nay có đợt không khí lạnh về nên các tàu cá tập trung tránh bão. Anh Huỳnh Tấn Mạnh (Tam Kỳ, Quảng Nam) - chủ tàu cá QNG 1446 cho biết:
“Nghề đi biển là nghề kiếm ăn trên đầu sóng ngọn gió nên thiên tai ập đến lúc nào không ai có thể lường được. Tuy nhiên, nếu cứ bám trụ với đồng ruộng và cây lúa thì không biết khi nào mới khá được. Do vậy, học hết THPT anh em chúng tôi lại rủ nhau đi biển, vừa có nghề lại đem về thu nhập ổn định cho gia đình”.
Sau mỗi chuyến đi biển, các thuyền viên tập trung khâu vá lưới chuẩn bị cho chuyến tiếp theo.
Anh Mạnh phân tích: Làm ruộng bây giờ, năng suất đạt cao nhất cũng chỉ 300kg lúa/sào, với giá bán 5.000 đồng/kg lúa thì bán mặt cho đất bán lưng cho trời suốt ròng rã 4 tháng, mỗi sào lúa chỉ thu được 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, những khoản đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu... các loại thì rất nhiều. Nếu gặp thời tiết bất thuận, vừa sạ bị mưa lũ làm trôi giống, hoặc sâu bệnh phát sinh nhiều thì nông dân lỗ nặng. “Phải nói, nhờ nghề biển mà dân thuần nông chúng tôi ai nấy đều có cuộc sống ổn định. Thậm chí nhiều hộ làm diêm nghiệp cũng chuyển sang nghề biển vì thu nhập từ muối lúc này quá bấp bênh” – anh Mạnh nói.
Anh Nguyễn Văn Quý (Quảng Yên, Quảng Ninh) - chủ tàu dịch vụ thu mua cá chia sẻ: Thu nhập của những lao động tham gia nghề biển khá cao. Hiện mỗi lao động bình quân thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Vào những vụ được mùa thì mỗi thuyền viên có khi nhận tới 10 triệu đồng/tháng. Thu nhập 1 tháng trúng có khi đủ cho cả gia đình ăn cả năm. Do đó, những lao động địa phương dù cao tuổi nhưng còn sức khỏe đều tham gia làm nghề biển. Với việc mở dịch vụ thu mua hải sản, anh Quý hiện có 20 quân, trung bình mỗi ngày thu mua 3 tấn cá, mực, tôm…
Ô nhiễm cảng cáHuyện đảo Bạch Long Vĩ hiện có 102 hộ dân với hơn 400 khẩu, hầu hết đều làm nghề đánh bắt thủy hải sản và dịch vụ. Ông Đoàn Xuân Lộc – Trưởng phòng điều vận cảng, Ban quản lý cảng Bạch Long Vĩ cho biết: Mỗi ngày có khoảng 50 – 60 tàu với 1.000 ngư dân neo đậu tại cảng. Phần lớn họ đều sinh hoạt trên tàu dẫn đến việc gây mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của biển đảo.
Anh Nguyễn Văn Quý bức xúc nói: Giữ gìn vệ sinh biển đảo là ý thức của cá nhân chứ không ai chỉ bảo được cả. Nguồn nước ô nhiễm không những do việc vứt rác thải bừa bãi của các ngư dân mà còn do một số tàu cá sử dụng chất nổ, điện để đánh bắt trái phép.