Sinh ra, lớn lên ở thị trấn Thổ Tang - vùng quê sầm uất nhất huyện Vĩnh
Tường, Vĩnh Phúc, từ nhỏ cha mẹ đã dặn anh “phi thương bất phú”, thế mà
vừa mới “đủ lông, đủ cánh”, anh lại bỏ sạp hàng thu lãi chục triệu đồng
mỗi tháng để chinh phục cả khu đầm lầy với khát vọng sớm thành tỷ phú.
Anh là Vũ Trung Học - chủ HTX Nông nghiệp tư nhân Ánh Dương ở thị trấn Thổ Tang - người được đề cử danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.
Có quyết tâm, đầm lầy cho bạc tỷ“Thực tế đã chứng minh quyết định bỏ chợ về đồng của vợ chồng mình là đúng đắn. Chẳng được học cao như nhiều bạn bè cùng trang lứa, vợ chồng mình động viên nhau, cố gắng tạo dựng cơ nghiệp để các con có điều kiện học hành đến nơi đến chốn...” - dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại tổng hợp rộng 5ha của gia đình, chị Lăng - vợ anh Học chia sẻ.
Anh Vũ Trung Học trong khu trang trại của gia đình.
Chị kể, anh Học có sở thích đọc, nghe và tìm hiểu những tấm gương vượt khó làm giàu, những ý tưởng táo bạo, độc đáo trong kinh doanh, những mô hình kinh tế trở thành hình mẫu trong tương lai... Quyết định chuyển nghề của anh một phần không nhỏ chịu ảnh hưởng từ sở thích đó.
Từ bỏ công việc buôn bán ở chợ năm 2007, để lại cửa hàng cho người khác thuê, trong tay chỉ có khoản vốn nho nhỏ, Học đăng ký thầu 5ha đầm Sung lầy thụt để thực hiện kế hoạch làm giàu. Khi tiền đã nộp, giấy tờ cầm trong tay, nhìn ra đầm lầy từ trước đến giờ chưa ai dám đầu tư, mọi người đều lắc đầu bảo “có lẽ do đọc báo nhiều quá, bị ngộ nên Học mới quyết định liều lĩnh như thế”. “Không chỉ bố mẹ, anh em mà bạn bè ai cũng ái ngại trước quyết định của tôi. Mọi người bảo, khu vực đầm Sung trước sau gì cũng nhấn chìm toàn bộ vốn của vợ chồng tôi...” - anh Học nhớ lại.
Dồn toàn bộ tiền, anh thuê nhân công be bờ, đào ao, bơm nước thau chua, tôn đất, dựng chuồng theo mô hình trang trại chăn nuôi, thả cá, trồng cây ăn quả. Thách thức đến với Học ngay vụ đầu tiên năm 2008, do rét đậm kéo dài cộng với dịch bệnh lây lan lại chưa có kinh nghiệm chăn nuôi quy mô lớn, 2.000 con gà, 4.000 con vịt cùng hàng trăm con lợn giống vừa chết, vừa chậm phát triển, thua lỗ khoảng 300 triệu đồng.
Sau nhiều đêm thức trắng kiểm điểm lại quy trình sản xuất của mình để rút ra bài học, anh gõ cửa những người thân huy động vốn để tiếp tục “đánh bạc” cùng đầm lầy. Anh tìm gặp những người đi trước tham khảo kinh nghiệm; liên hệ với cán bộ khuyến nông thị trấn và Trung tâm Khuyến nông huyện; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; mượn sách báo, tài liệu chuyên môn về nghiên cứu. Sau hơn một năm “ăn tại bờ đầm, ngủ trong lán, quần áo cả ngày bết đất”, cuối cùng 3ha ao thả cá, 1,5ha vườn chuồng, 500m2 nhà xưởng đã đem lại cho anh nguồn thu ngày càng lớn.
Năm 2009, với sự trợ sức của Quỹ Tài năng trẻ thanh niên, Học thành lập HTX Nông nghiệp tư nhân Ánh Dương, mở rộng thêm 2 ao cá, quanh bờ ao trồng cam, bưởi, ổi, chuối, xoài và hàng chục loại cây ăn quả có giá trị cùng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, lợn, thỏ, chim cút sinh sản. Trang trại của anh cũng là địa chỉ đầu tiên trong vùng áp dụng kỹ thuật nuôi cá chuồn, cá nheo, cá chình theo hướng bán công nghiệp thả xen canh. Từ năm 2010, bằng việc xuất ra thị trường trên 20 tấn cá, khoảng 40 tấn thịt lợn thương phẩm, hàng chục tấn lợn giống cùng với nguồn thu từ vườn cây ăn quả, Học đã có trong tay tiền tỷ.
Khách đến thăm, chẳng ai nhận ra khu đầm Sung lầy lội năm nào. Học thở phào: “Vậy là ván bạc thứ hai trong canh bạc cùng đầm lầy, mình đã thắng...”. Từ đó, mọi người đặt cho anh biệt hiệu “Khắc tinh của đầm lầy”.
Giúp nhiều thanh niên cùng giàuSinh năm 1979, nhưng trong tay Học đã có khối tài sản cả chục tỷ đồng. Trang trại tổng hợp của Vũ Trung Học đã nổi tiếng khắp vùng với 5 khu ao nuôi các loại cá có diện tích từ 500-1.000m2/ao; 3 khu trại gà nuôi gần 4.000 gà đẻ siêu trứng; 3 khu trại lợn nuôi hơn 200 con lợn thịt, trên 100 con lợn sinh sản, khoảng 2.300 con vịt cùng khu nuôi thỏ, chim câu, chim cút và một khu liên hợp nhà hàng ăn uống, phòng giải trí karaoke có tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, có thể phục vụ cùng lúc cả trăm thực khách.
Trang trại của Vũ Trung Học là địa chỉ đầu tiên trong vùng áp dụng kỹ thuật nuôi cá chuồn, cá nheo, cá chình theo hướng bán công nghiệp thả xen canh.
|
Từ giữa năm 2012 đến nay, vợ chồng anh sắm phông bạt, loa đài cùng các điều kiện vật chất đủ nhận phục vụ 3 đám cưới cùng một lúc. Anh khoe, dịch vụ phục vụ đám cưới đã giải quyết việc làm theo thời vụ với thu nhập khá cho cả chục thanh niên địa phương. Bởi anh chỉ thu tiền bán thực phẩm, các khoản thu khác những người làm trực tiếp hưởng. “Đó cũng là cách mình hỗ trợ hợp lý cho những thanh niên có chí hướng nhưng thiếu vốn làm ăn... ”- Học tâm sự.
Chính suy nghĩ chân chất đó nên mặc dù bận rộn với cả núi công việc nhưng Học vẫn dành rất nhiều thời gian tham gia và tài trợ cho các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương. Bên cạnh trọng trách là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, anh còn là hội viên ND tiêu biểu của thị trấn Thổ Tang, tích cực tham gia vào những hoạt động trao đổi kinh nghiệm và tạo điều kiện giúp đỡ vốn, giống, kiến thức để bà con, nhất là những thanh niên trẻ làm giàu bằng mô hình trang trại tổng hợp. “Tôi luôn tâm niệm, kinh nghiệm thực tiễn phải kết hợp với tri thức từ nhà trường, sách vở thì thành công mới vững chắc...” - tỷ phú đầm lầy cởi mở chia sẻ.