Một vị vừa phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Trụ sở cơ quan nhà nước để phục vụ dân mà xây rộng mênh mông, như công viên. Dân nghèo như thế, sao nhiều nơi xây trụ sở nguy nga như cung điện?”.
Vị này nói hơi muộn, giá như với thẩm quyền của mình, ông nói sớm và đúng chỗ thì đã có thể ngăn kịp hàng ngàn trụ sở nguy nga.
Nhưng dù sao cũng hoan nghênh ông, vì “chậm còn hơn không bao giờ”. Bởi vì ông nói quá đúng, quá chính xác. Không lo sao được khi đi qua những trụ sở mới xây vài năm lại đây, nhất là ở những nơi sẵn đất. Quận T ở Hà Nội có trụ sở liên cơ quan (quận ủy, chính quyền và các đoàn thể) nguy nga hơn rất nhiều trụ sở một số tỉnh nghèo. Còn trụ sở xã nhiều nơi cũng to hết chỗ nói. Không biết uy nghi như thế để dọa ai?
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, làng tôi có một ông lý trưởng. Ông trông coi việc hộ và cả việc hình (an ninh) của làng. Đi đâu cũng thấy ông đeo một cái ruột tượng có ít giấy tờ và con dấu (cái triện). Ai xin giấy gì, thông hành, làm giấy khai sinh, chứng nhận khế ước bán ruộng chuộc vườn, ông ký chứng nhận, rút trong cái túi càn khôn ra con dấu, thổi phù cho mực ẩm ra rồi cộp một cái là xong. Vùng quê tôi là miền Trung, đất bảo hộ của thực dân Pháp, vẫn còn chính quyền của Nam triều, việc hành chính nói chung là còn lắm bê bối, cứ cho là còn lâu mới sánh được nền hành chính xã hiện nay. Nhưng công bằng mà nói thì làng tôi cũng chẳng đến nỗi nào nếu xét về mặt an ninh và kỷ cương. Mấy chục năm không có án mạng.
Gần đây tôi có dịp đi thăm vùng nông thôn nước Pháp. Thấy trụ sở của ông thị trưởng cũng chỉ bằng một cái nhà ống con con. Đứng ngoài nhìn vào chẳng thấy ai, chắc là họ quá ít người trong ngôi nhà nhỏ ấy. Nhưng đường sá thì đầy hoa. Nghe anh bạn Pháp nói ông thị trưởng này rất yêu hoa, ông lấy ngân sách trợ cấp cho những ông bà về hưu trồng hoa vào chậu rồi đưa ra đặt vệ đường, hoa tư thành hoa công mà không tốn mấy. Đời sống yên ổn, hiền hòa và thanh bình, đâu cần trụ sở nguy nga “như dinh thự” mà vẫn chạy việc.
Dân cần đường sá đi lại đủ rộng để khỏi bị trâu húc phải, cần bến xe bến tàu có chỗ thoáng mát để còn yên tâm xếp hàng và chờ đợi, dân cần nhất là trường học khang trang cho trẻ, cần bệnh viện có đủ giường nằm, sạch sẽ và bệnh nhân cũng như người nhà không phải nêm cối, giẫm lên nhau. Dân không có nhu cầu ngắm trụ sở nguy nga, nơi họ ít khi được vào nếu không có giấy mời hay công chuyện.
Làm những gì dân cần thì dân yêu, dân tin. Làm những thứ không phục vụ cho dân mà chỉ lo “giải quyết khâu oai” thì vỡ ngân sách đã đành mà còn vỡ lòng tin vào nhiều thứ.