Thu không đủ tiền càyTrong những địa phương nhiều diện tích đất lúa bỏ hoang tại Quảng Nam có huyện Tiên Phước. Theo ông Nguyễn Văn Phú- Chủ tịch UBND xã Tiên Phong (Tiên Phước), xã Tiên Phong có 190ha đất lúa, nhưng vụ hè thu này, ND chỉ làm khoảng 100ha, còn lại bỏ hoang.
Những ND bỏ ruộng ở đây cho biết, ngoài thiếu nước, việc chi phí cho trồng lúa tăng trong khi năng suất lúa bấp bênh, giá lúa hạ là những nguyên nhân khiến họ bỏ đồng. Chị Trương Thị Thẩm (thôn 4, xã Tiên Phong) có 4 sào đất lúa, nhưng chị chỉ làm 1,5 sào, còn lại bỏ hoang.
Chị Thẩm nói: “Trồng lúa bây giờ khó khăn và bấp bênh quá, chỉ có đói trở lên thôi. Mấy năm trước, mỗi sào thu 250 - 350kg lúa, còn bây giờ 1,5 sào thu chưa được 50kg. Nếu bán ra chỉ được 300.000 đồng, chưa đủ trang trải tiền cày đất, chưa nói đến biết bao khoản khác. ND tụi tôi không lười nhác nhưng tính đi tính lại, thà bỏ ruộng hoang để đi làm thuê kiếm tiền mua gạo ăn thì còn có cơ sống được chứ bám mấy sào ruộng chỉ có nước đói”.
Chị Trương Thị Thẩm bên ruộng lúa mất 3 tháng chăm sóc,nhưng không hạt.
Ông Đinh Thương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Phước, cho biết: “Toàn huyện có 2.450ha đất trồng lúa, nhưng vụ hè thu 2013 có đến 500ha đất lúa bị bỏ hoang. Lý do chính là ND thấy sản xuất lúa ít có lãi, nhiều lúc còn lỗ nặng. Tính ra, mỗi sào lúa ND lãi nhiều nhất 200.000 đồng, chỉ bằng 1 ngày làm thuê. Những người có thể đi làm thuê kiếm ăn được đều bỏ ruộng”.
Thật ra thì những địa phương ở Tiên Phước mà ND bỏ ruộng đều có đất không thuận lợi. Vừa thiếu nước, vừa xấu. Ở những diện tích đó, ND đã chuyển đổi từ làm lúa sang các loại cây trồng chịu hạn, như ngô, đậu… nhưng vẫn không ăn thua vì đất ruộng ở đây chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lầy lội… Cực chẳng đã, ND mới phải bỏ. “Phải chi ở những vùng đất không thuận lợi, Nhà nước nên giúp ND bằng cách cung cấp thủy lợi, hỗ trợ phân bón, giống, giao thông… thì bà con còn bám víu với ruộng để sống. Đằng này kêu hoài cũng không thấy ai quan tâm” – chị Trương Thị Thẩm nói.
Trồng cây gì cũng lỗĐược biết, tại Quảng Nam nhiều địa phương khác cũng trong tình trạng như Tiên Phước. Ngay tại Tam Kỳ - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam- mà nhiều diện tích đất lúa, ND cũng bỏ hoang hoá nhiều năm. Chẳng hạn như tại đồng Đùi, đồng Đình (Tam Phú, Tam Kỳ) có đến 15ha đất lúa nằm cạnh sông Bàn Thạch bị bỏ hoang lâu nay.
Thanh Hóa:Hơn 1.000 hộ bỏ ruộng Theo Sở NNPTNT Thanh Hóa, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.037 hộ ND ở 14 xã đã, đang bỏ ruộng, với diện tích 67ha. Các hộ ND đã, đang bỏ ruộng tập trung ở 3 huyện, gồm: Tĩnh Gia, Quảng Xương và Hậu Lộc. Cũng theo Sở NNPTNT Thanh Hóa, hiện tượng bỏ ruộng, trả ruộng ở địa phương này tuy chưa phải là vấn đề nghiêm trọng và phổ biến, song với tình trạng nêu trên, đã bắt đầu và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong nông nghiệp, nông thôn, gây lãng phí quỹ đất sản xuất nông nghiệp. Hồng Đức
|
Chị Nguyễn Thị Cường (thôn Phú Đông, xã Tam Phú) cho biết: “Nhà tôi có 3
sào đất trồng lúa, 3 sào đất màu, tất cả đều bị bỏ hoang gần 6 năm nay.
Chúng tôi phải bỏ đến 6 sào đất vì trồng cây gì cũng lỗ. Ruộng nằm sát
sông nhưng mỗi năm cũng chỉ làm được 1 vụ đông xuân và cũng nhờ vào nước
trời chứ không có thủy lợi”. Được biết, tại Tam Kỳ nhiều ND thấy bỏ
hoang ruộng lúa cũng phí nên bán rẻ cho người khác đào ao nuôi tôm.
Theo ông Lê Muộn- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam, cả tỉnh Quảng Nam có đến 5.000ha là đất lúa không có thuỷ lợi. Vụ nào mưa thuận gió hoà thì đất này còn có ND sản xuất lúa, còn mưa không thuận thì ND bỏ hoang hết. Diện tích này tập trung ở Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, vùng đông của TP.Tam Kỳ...
Để giúp ND những vùng đất lúa này có thể bám ruộng sinh sống, ngành nông nghiệp Quảng Nam chỉ đạo bà con chuyển đổi sang cây trồng chịu hạn. Nhưng tất cả cây gì cũng phải cần có nước mới sống được, các cây chuyển đổi đó cũng không trụ được, và đất hoang lại trở về với đất hoang.
Không riêng gì đất lúa nước trời mới bị bỏ hoang mà tại huyện Điện Bàn, trong vụ hè thu 2013 này, có hơn 30ha diện tích đất lúa có nước tưới cũng bị bỏ hoang. Lý do ND thấy làm lúa bây giờ không lời, thà bỏ ruộng hoang chứ không chịu đầu tư để rồi mất cả vốn lẫn lãi.
Cốt lõi là thu nhập
Việc ND bỏ ruộng hiện nay không hề mới lạ, mà đã
xảy ra từ lâu, nhưng nó gây bức xúc ở chỗ chúng ta biết mà không xử lý,
và không phải chỉ một cơ quan xử lý mà xong được. Bài toán cốt lõi của
tình trạng này là vấn đề thu nhập. Chi phí ND bỏ ra nhiều, nhưng lợi
nhuận thu về thì rất ít, trong khi đó, các khoản phí họ phải đóng góp
ngày càng nhiều lên nên ND phải bỏ ruộng, bỏ làng để tìm kiếm những
công việc bên ngoài cho lợi nhuận cao hơn.
Vì sao làm ruộng cho thu
nhập thấp, chính là do đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ nên không áp dụng
được tiến bộ kỹ thuật, cây trồng cho năng suất thấp. Theo tôi, chúng ta
phải tổ chức ND lại thành tổ hợp tác, theo một quy trình chuẩn để tăng
năng suất, sản lượng, kết nối với thị trường, trong đó tác nhân là doanh
nghiệp – đầu tàu giúp ND bán được hàng. Giải pháp này mang tính lâu
dài, chậm nhưng chắc vì sẽ loại bỏ dần những ND không có năng lực, nhu
cầu thực sự.
Ông Lưu Đức Khải (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư)
Minh Huệ (ghi)
Nên hướng sang sản xuất lớn
Doanh
nghiệp có tăng giá lúa cũng chẳng thể giúp nông dân làm lúa sống khỏe
với nghề mà không chán ruộng, bỏ ruộng. Bởi trong điều kiện lý tưởng,
giả sử doanh nghiệp tăng giá thu mua lúa lên gấp đôi thì nông dân cũng
chỉ có được thu nhập 90.000 đồng/ngày, vẫn thua người đi làm công ăn
lương. Chính vì thế, vấn đề ở đây không phải là giá lúa thấp hay cao mà
là do người dân có quá ít ruộng đất.
Để giải quyết vấn đề này tôi cho
rằng chúng ta nên cho những người có nhu cầu, có tiềm lực tích tụ ruộng
đất, theo một quá trình diễn ra tự nhiên, không cưỡng ép, không bắt
buộc, để từ sản xuất nhỏ chuyển sang sản xuất lớn, giúp giảm chi phí đầu
vào và tăng lợi nhuận đầu ra. Còn những người dân có ít ruộng đất, như
tôi đã phân tích ở trên, nếu họ có bỏ ruộng, theo tôi cũng là chuyện
bình thường.
Vấn đề là Nhà nước nên mở ra nhiều trung tâm hướng nghiệp
và dạy nghề để tạo điều kiện, giúp cho họ chuyển đổi ngành nghề phù hợp
và tham gia lao động thì tôi thấy hiệu quả hơn rất nhiều việc họ cứ bám
lấy mảnh ruộng bé tí và nghèo muôn kiếp.
Ông Lâm Anh Tuấn (thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam)
Ngọc Minh (thực hiện)
|