Thụy Ứng là làng nghề độc nhất của thủ đô chuyên sản xuất những sản phẩm làm từ sừng trâu, bò. Ông Nguyễn Ngọc Nam – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Thường Tín cho biết: Cả nước có 2 làng nghề làm lược là làng nghề chạm sừng Thụy Ứng và làng nghề làm lược bí (Trầm Vạc, Hưng Yên). Tuy nhiên, đến nay chỉ còn làng nghề chạm sừng Thụy Ứng là bảo tồn và phát triển nghề.
“Trước cũng đã có thời điểm lược sừng mất chỗ đứng vì lược nhựa vừa rẻ, vừa đa dạng mẫu mã, do vậy người dân đành chuyển qua làm thêm nghề thuộc da, chế biến thức ăn gia súc từ xương trâu, bò... Khi đất nước phát triển, nhu cầu sử dụng lược tự nhiên, chất lượng cao nở rộ thì lược sừng Thụy Ứng lại lên ngôi” - ông Nam nói.
Anh Nguyễn Văn Sử đang giới thiệu các sản phẩm từ sừng.
Anh Nguyễn Văn Sử (đội 7, làng Thụy Ứng) - một trong số gia đình làm nghề có quy mô và giữ nghề lâu nhất làng Thụy Ứng chia sẻ: “Xưởng sản xuất của gia đình tôi có trên 10 lao động làm nghề với mức lương trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Lược sừng là mặt hàng chính nhưng gia đình tôi còn sản xuất thêm các mặt hàng mỹ nghệ như vòng trang sức”.
Ngoài sản phẩm truyền thống là lược, từ sừng người dân Thụy Ứng còn có thể làm ra những sản phẩm tinh xảo, độc đáo hơn như các bức tranh lục bình, bộ đầu bò châu Phi… Anh Nguyễn Văn Tuệ - thợ nghề lâu năm chia sẻ: “Nghề chạm sừng cũng lắm công phu, ví như chạm cá từ sừng đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ, có kinh nghiệm trong việc đục, vẽ, hơ lửa sao cho vừa để tạo màu vây cá, rồi lực đóng đinh vào sừng sao cho vừa, không bị vỡ. “Một thợ nghề giỏi phải có ít nhất 3 – 5 năm theo nghề mới cho ra những sản phẩm tinh túy” -anh Tuệ bộc bạch.
Hiện nay, các sản phẩm chạm sừng của làng nghề Thụy hoặc Ứng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước và còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Singapore. Thế nhưng, điều đáng buồn là không có chiếc lược sừng, hoặc sản phẩm nào từ sừng mang mác “made in Thuy Ung”.
|
Hiện nay, các sản phẩm chạm sừng của làng nghề Thụy Ứng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước và còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Singapore. Thế nhưng, điều đáng buồn là không có chiếc lược sừng, sản phẩm nào từ sừng có mác “made in Thuy Ung”…
Ông Vũ Văn Đang – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Mặc dù, làng nghề chạm sừng làng Thụy Ứng đã có hàng trăm năm tuổi và đang phát triển vượt bậc, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận làng nghề, các gia đình cũng “ngại” thành lập công ty nên việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm chạm sừng vẫn đang là nỗi trăn trở của bà con làm nghề.
Có một rào cản nữa là làm nghề này gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nên khi các đoàn về khảo sát tiêu chí công nhận làng nghề thì làng đều bị… trượt. “Chúng tôi tăng cường kiểm tra, vận động các hộ làm nghề đúng quy trình, kỹ thuật cũng như sử dụng các máy móc công nghệ để đảm bảo an toàn và vệ sinh khi sản xuất” - ông Đang cho biết.