Dân Việt

Bi kịch lớn của người đàn ông lỡ mang trọng tội

Hoài Nhân (Dòng Đời) 28/07/2013 12:51 GMT+7
Từ khi Tuấn vào tù, người vợ quá đau buồn nên bị sẩy thai. Sau đó, đứa con trai lại bị té giếng chết. Trong một thời gian ngắn, bi kịch cứ dồn lên đầu, vượt hạn chịu đựng khiến người phụ nữ bị điên loạn.
Án mạng trong đêm

Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1989, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cưới vợ khá sớm. Chỉ mới bước sang tuổi 24 mà cậu đã có đến hai đứa con và vợ đang mang thai đứa thứ ba. Mặc dù vậy, cậu lại là người đàn ông thương vợ con hết mực. Hằng ngày, cậu đi làm thợ sơn, đêm về lại chung tay với vợ chăm sóc hai con.

Cứ mỗi khi nhận tiền từ các công trình, Tuấn lại đưa hết cho vợ. Sáng sáng, Tuấn lại lấy tiền tiêu từ tay vợ. Nhiều người cho rằng, cách sống của Tuấn vậy là không tốt vì là người đàn ông mà phải phụ thuộc vào túi tiền của vợ. Riêng Tuấn lại cho rằng, mình thực sự hạnh phúc vì điều đó.
Bị cáo Tuấn và Toàn tại phiên tòa
Bị cáo Tuấn và Toàn tại phiên tòa
Ngày 16.6.2012, Tuấn nhận lương, về đến nhà hớn hở đưa tiền cho vợ. Chợt cậu nghĩ: “Điện thoại của vợ mất cả tháng rồi, thôi thì đêm nay chở vợ với hai con đi mua tặng một chiếc”. Cậu liền bảo với vợ là chị Nguyễn Thị Thanh T.. Chị T. sợ tốn tiền vì còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Sau một hồi nài nỉ, chị T. cũng đồng ý thay áo quần để cùng chồng đến tiệm mua điện thoại. Tuấn chở vợ con mà lòng phơi phới. Ngồi sau, chị T. cũng cảm thấy hạnh phúc hết mực.

Sau một hồi lựa chọn, Tuấn cũng mua được cho vợ chiếc điện thoại ưng ý. Sau đó, cậu lại chở vợ và con trở về. Khi đến ấp Bến Cam, xã Phước Thiển, huyện Nhơn Trạch, Phan Thanh Toàn và Nguyễn Hữu Hà cứ lượn lờ phía trước. Nhìn kỹ, Tuấn phát hiện hai thanh niên này lạng lách, đánh võng, chọc ghẹo một người con gái đi đường. Vì đang chở vợ con, sợ chuyện không hay xảy ra nên Tuấn bóp còi xin đường vượt lên.

Tuy nhiên, hai gã thanh niên vẫn không chịu nhường đường, cứ lượn qua, lượn về. Không chỉ thế, đi được một đoạn, hai thanh niên còn cúp đầu xe của Tuấn. Bực tức vì thái độ ngang ngược, Tuấn dừng lại bảo: “Hai anh muốn gì?”. Vì đã có ý định gây sự từ trước, Toàn xấc xược: “Bọn tao muốn đánh mày chứ hỏi gì”. Câu nói vừa dứt cũng là lúc Toàn dùng mũ bảo hiểm tấn công liên tục vào Tuấn. Chị T. lo lắng cho chồng nên xông vào can ngăn. Tuy nhiên, Hà đứng gần đó đã nhanh chóng lao đến chặn đường vung tay lên đánh.

Sau một lúc chống cự, thấy mình yếu thế, Tuấn liền bỏ chạy vào một nhà trọ gần đó. Bắt gặp một con dao, cậu liền chộp lấy chạy ra với ý định “giải vây” cho vợ. Khi bước ra, cậu thấy vợ bị hai kẻ đàn ông vây đánh nên liền xông đến, dùng dao đâm vào người Hà một nhát chí mạng.

Cùng lúc này, anh Nguyễn Duy C., bạn của Toàn chạy đến khuyên can. Cứ ngỡ anh C. là đồng bọn, tăng lực lượng để đánh mình nên cậu lại lao đến đâm vào lưng khiến anh này bị thương nặng. Thấy C. ngã quỵ, lòng sợ hãi nổi lên, Tuấn liền chạy khỏi hiện trường. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên Hà đã tử vong.

Hơn cả nỗi đau

Mới đây, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đối với Nguyễn Thanh Tuấn về tội “Giết người”. Ngay từ sáng sớm, nhiều người thân cũng như hàng xóm đã có mặt tại sân tòa với hy vọng nhìn mặt Tuấn sau khoảng thời gian dài xa cách. Mặc dù phạm trọng tội, nhưng những người quen biết với bị cáo đều tỏ ra cảm thông, không một lời oán trách. Chị Nguyễn Thị Th. chia sẻ: “Nó ngồi tù mà cả gia đình tan nát”.

Mặc dù sau khi bị bắt, nỗi đau của Tuấn quá lớn nhưng nhận thấy hành vi của bị cáo quá man rợ, ra tay một cách tàn độc cùng lúc với hai người. Trong khi đó, phiên sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù giam là quá nhẹ nên chấp nhận kháng cáo của gia đình bị hại tăng hình phạt lên 14 năm. Dường như, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nhận lấy những thông tin quá đau xót nên khi nghe mình bị tăng án, Tuấn không một chút bất ngờ. Cậu lê từng bước nặng nề theo chân công an dẫn ra xe mà không thôi ngước đầu, đưa ánh nhìn buồn bã về phía gia đình như để nói lời xin lỗi.

Theo lời kể của chị Th., Tuấn sinh ra trong một gia đình có của ăn của để. Nhưng, trong cuộc sống luôn luôn có nhiều biến đổi, công việc sa sút, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, gia sản kếch xù bỗng nhiên đổ sụp. Trong lúc khốn cùng, cha mẹ quyết định dọn về huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để sống. Cũng chính khoảng thời gian này, anh em Tuấn phải bỏ học. Cha mẹ Tuấn chuyển sang bán quán cơm bình dân.

Ban đầu, Tuấn phụ giúp cha mẹ, nhưng về sau nhận thấy: “Nếu cứ đeo bám quán cơm thì sẽ không có tương lai” nên cậu quyết tìm cho mình hướng đi riêng. Tìm hiểu, cậu được biết, ở huyện Nhơn Trạch, nghề sơn đang thiếu nhân lực nên quyết định theo đuổi. Đúng như dự tính, ra nghề, cậu luôn nhận được sự mời gọi của nhiều gia chủ.

Công việc đã ổn định, Tuấn nghĩ đến chuyện lập gia đình. Tuy nhiên, thấy tuổi đời con còn nhỏ nên cha mẹ cậu phản đối. Nhưng, tình đã thắm, duyên đã nồng nên cậu nhất quyết cưới vợ. Hai đứa con lần lượt ra đời. Ngày cậu bị bắt, vợ mang thai đứa con thứ ba chỉ mới vài tháng. Người vợ ở nhà một mình lo cho hai đứa con và không thôi buồn tủi, khóc thương cho chồng. Quá lao lực, ít được nghỉ ngơi, chỉ sau hai tháng kể từ khi bị bắt, vợ Tuấn bị sẩy thai. Nỗi buồn chồng vào tù chưa kịp lành thì nỗi đau mất con lại đến, chị T. bỗng nhiên trở nên trầm cảm, ít nói năng hơn trước.

Thế nhưng, nỗi đau của người phụ nữ này vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau khi bị sẩy thai, một trong hai đứa con của chị bị ốm nên phải đưa đi bệnh viện khám. Từ bệnh viện về, đi ngang khu vực bò sữa Long Thành (tỉnh Đồng Nai), chị đưa cậu con trai vào đây tham quan. Buổi trưa, chị bảo con đứng gần đó chơi còn mình ra phía ngoài mua cơm. Một lúc sau, khi trở lại, chị hoảng hốt không thấy con trai đâu. Vừa khóc, vừa chạy quanh tìm kiếm, chừng hai tiếng sau, chị chết trân khi phát hiện thi thể của con trai nằm dưới giếng.

Bi kịch dồn dập đổ xuống đầu chị T. chỉ trong một khoảng thời gian ngắn khiến người phụ nữ không chịu đựng nổi. Cũng chẳng biết từ lúc nào chị trở nên điên loạn. Cả gia đình Tuấn chết trân, đau xót cho số phận của cậu con trai lẫn đứa con dâu. Từ ngày chị T. xảy ra chuyện, đứa con trai còn lại vì quá đau buồn cũng ít nói hẳn, đôi mắt luôn ẩn chứa nỗi buồn.

Đến khi nào nguôi?

Đứng trước vành móng ngựa, Tuấn buồn bã đưa ánh mắt nhìn HĐXX. Cậu khai nhận toàn bộ sự việc nhưng cũng cho rằng mọi chuyện bắt đầu là do Toàn điều khiển xe máy lạng lách, đã bấm còi xin đường mà vẫn không cho qua. Không chỉ thế, khi sự việc xảy ra, cậu đã cố van nài, đừng đánh nữa nhưng vẫn không được chấp nhận. Ngược lại, Toàn lại đổ tội: “Nếu Tuấn không khiêu khích trước thì mọi chuyện đã không xảy ra”.
Tuấn quá buồn nên không để ý gì việc mình bị tăng án
Tuấn quá buồn nên không để ý gì việc mình bị tăng án
Vị chủ tọa lắng nghe lời của hai bị cáo, ngồi trầm tư một lát rồi phân tích: “Chúng tôi đã tìm hiểu vụ án này thông qua hồ sơ. Nhiều lúc, chúng tôi tự hỏi, nếu đêm đó, bị cáo Toàn và nạn nhân Hà không lạng lách thì mọi chuyện có xảy ra không? Hay, khi bị cản đường, bị cáo Tuấn cố nhẫn nhịn thì chắc chắn giờ đây không phải đứng trước vành móng ngựa”. Lời của vị chủ tọa quá chính xác khiến cả hai bị cáo đều cúi đầu không còn lời gì để nói.

Vị chủ tọa ngước nhìn về phía Tuấn nhẹ nhàng hỏi: “Bị cáo có biết tình hình của gia đình sau khi mình bị bắt không?”. Tuấn buồn bã: “Vợ bị cáo quá buồn nên đã hư thai ạ!”. Sau đó, mẹ Tuấn nghẹn ngào kể thêm, đứa con trai hai tuổi cũng đã qua đời vì té giếng, nỗi đau dồn dập khiến chị T. bị điên loạn. Người mẹ vừa ngưng nói cũng là lúc Tuấn quay lại nhìn mẹ bằng ánh mắt nghi ngờ. Cái gật đầu cộng với những giọt nước mắt của mẹ như nhát đao lớn đánh vào tinh thần của cậu.

Không thể tin vào những điều mới nghe, Tuấn ôm lấy vành móng ngựa mà khóc. Cảnh tượng quá đau lòng khiến những người dự khán không khỏi chạnh buồn. Những vị trong HĐXX đã bao nhiêu năm chứng kiến rất nhiều bi kịch, nhưng khi thấy cảnh tượng của Tuấn cũng không khỏi ái ngại.