Dù bão số 8 đổ bộ vào đất liền suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng tại tỉnh Quảng Nam, nhiều huyện bị thiệt hại nặng cả về người và nông nghiệp, vật nuôi bởi lũ nhấn chìm trong biển nước.
Bà Dương Thị Hải ở xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc) cho biết: “Mưa lũ đã phá tan tành mọi thứ. Bao nhiêu tài sản trong gia đình và vật nuôi như lợn, gà, vịt trong làng đều bị cuốn trôi hết. Đã nghèo nay lại còn nghèo hơn vì bão, lũ, chú ơi”. Ông Nguyễn Khắc Xuyên - Bí thư xã Đại Hưng buồn rầu: “Toàn xã có 1.928 hộ bị ngập nhà, trong đó 20% ngập sâu hơn 2m. Đặc biệt, thôn Đại Mỹ có đến hơn 90% nhà cửa của dân bị ngập trong nước, hàng chục ngôi nhà bị lũ quét làm xiêu vẹo, sụt lún. Nương vườn, nhà cửa, đường bị đất bùn, cát vùi lấp hết...”.
Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Đại Lộc, trên địa bàn huyện không những lũ làm ngập hàng ngàn ngôi nhà mà còn làm hơn 300ha lúa cùng 170ha khoai lang, ngô chìm trong nước, 300ha rau màu bị hư hại... Ước tính thiệt hại do mưa bão gây ra ở huyện Đại Lộc là hơn 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Kon Tum, trong ngày 22 và 23.9 trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to gây lũ lớn trên các sông, suối. Lượng mưa các khu vực trong tỉnh đạt từ 100-160mm, riêng khu vực huyện Tu Mơ Rông có nơi lượng mưa đạt xấp xỉ 200mm. Tại thôn 1B, xã Đăk La, huyện Đăk Hà nước lũ tràn qua đường Hồ Chí Minh, ngập sâu 30-40cm bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân vẫn liều mình vượt qua bằng xe gắn máy. Tại xã biên giới Mô Rai (huyện Sa Thầy) nước lũ làm 28 nhà dân ở làng Rẽ bị ngập sâu từ 0,5-1m; 10 hộ dân làng Đăk Ác, xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) cũng bị nhấn chìm. Tại Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy) nước ngập khoảng 0,3m, toàn bộ học sinh phải cho nghỉ học. Quốc lộ 24, 14C, 40 Tỉnh lộ 676, 677… bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thủy điện 7, là chủ đầu tư Thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai) phải bồi thường thiệt hại cho người dân bị lở trôi đất sản xuất do thủy điện này xả lũ. Theo thống kê, tổng diện tích đất sản xuất lở trôi trên 25.000m2; nhiều điểm bị nước lũ thủy điện khoét sâu vào bờ hàng chục mét. Tình trạng này do Thủy điện An Khê - Ka Nak lấy nước từ sông Ba (Gia Lai) để vận hành máy, rồi xả một phần sang sông Kôn (Bình Định), làm lưu lượng nước tăng bất thường gây sạt lở hai bờ sông Kôn.