Dân Việt

TS. Nguyễn Thế Kỷ: Phải giúp người nông dân làm giàu trên mảnh ruộng của mình

Hải Phong thực hiện 09/09/2013 11:40 GMT+7
“Tư tưởng của Hồ Chí Minh trong nông nghiệp hết sức rõ ràng: Đó là làm sao để người nông dân đã có ruộng cày rồi thì phải sống được và làm chủ, làm giàu trên mảnh ruộng của mình”.
Đây là khẳng định của TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư trong cuộc trao đổi với PV Dân Việt về tư tưởng của Hồ Chí Minh với vấn đề nông nghiệp - nông thôn và nông dân.

Vị lãnh tụ gần gũi với nông dân

Thưa ông, Báo điện tử Dân Việt (báo NTNN) vừa khởi đăng loạt bài "Những cánh đồng làm theo lời Bác", trong đó có đề cập tới một phong trào nổi tiếng của ngành nông nghiệp thập niên 60 của thế kỷ trước là “Gió Đại phong”. Khi đó, Bác Hồ đã hết sức ủng hộ, Bác viết bài ca ngợi mô hình rất đẹp này trên Báo Nhân Dân. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của loạt bài này cũng như những phong trào thi đua từng có tác dụng rất tích cực trong quá khứ?

img
Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, TS Nguyễn Thế Kỷ trả lời PV báo Dân Việt. (ảnh: Xuân Lực)

- Theo tôi, loạt bài của Báo NTNN tôi cho là có ý nghĩa nhiều mặt trong thời điểm Đảng, Nhà nước ta đang giành rất nhiều sự quan tâm cho vấn đề tam nông. Loạt bài viết gợi lại cho bạn đọc suy nghĩ về những phong trào, những việc làm bổ ích, thiết thực của một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Loạt bài này sẽ gợi lên rất nhiều suy nghĩ cho những người làm công tác xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của ta hiện nay.

Nói rộng hơn, tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hết sức rõ ràng, hết sức đúng đắn: Đó là làm sao để người nông dân đã có ruộng cày rồi thì phải sống được và làm giàu trên mảnh ruộng của mình. Không chỉ có phong trào “Gió Đại Phong”, sinh thời, Bác đã cùng với Đảng, Nhà nước ta đề ra, khuyến khích, cổ vũ nhiều phong trào thi đua yêu nước nhằm phát triển nền nông - công nghiệp còn non trẻ của nước nhà như phong trào “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”…

"Một số nước cũng có những lãnh tụ có hình dáng của nông dân, nguồn gốc từ nông dân, nông thôn nhưng lại không thu phục được đội ngũ trí thức. Trong khi đó, khi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, biết bao nhiêu trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ, yên ổn, vinh hoa để về cùng Bác đồng cam cộng khổ kháng chiến. Dường như với họ, có một điều gì đó cao hơn lý tưởng, có thể như một đức tin đối với Hồ Chí Minh. Hoặc có thể coi đó là sức thu hút, sự cảm hóa kỳ diệu của Bác".

TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư

Vào thời điểm đó, những phong trào như vậy đã giúp chúng ta gặt hái được nhiều thành tựu vượt bậc trong công cuộc xây dựng miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Trước đó, thời chúng ta mới giành được chính quyền, đất nước đang trong muôn vàn khó khăn, bộn bề, “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác cũng đã phát động, lãnh đạo thành công các phong trào thi đua yêu nước như “Diệt giặc đói, giặt dốt”, “Tuần Lễ Vàng”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Áo ấm mùa đông chiến sỹ”…

Trong những phong trào, những việc làm như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ đứng ra vận động mà chính Người cũng làm gương một cách nghiêm túc để mọi người làm theo. Nhờ đó, các phong trào lan tỏa, nhân lên tầm vóc trong xã hội.

Một đất nước có thể kêu gọi từ một người nông dân không biết chữ, đói nghèo hăm hở vào cuộc kháng chiến; những nhà tư sản, giới trung lưu dốc hết cả tài sản của mình cho nền độc lập thì đất nước đó có sức mạnh quá lớn lao, không kẻ thù nào có thể khuất phục được.

Vậy ông suy nghĩ gì về những phong trào hiện nay trong phát triển nông thôn, nông nghiệp. Vẫn biết là lịch sử mỗi giai đoạn một khác, nhưng theo ông, làm thế nào để có thêm những "Gió Đại Phong", "Sóng Duyên Hải"...mới ?

-Theo tôi, khi nói tới các phong trào thi đua yêu nước hiện nay, tuy giá trị của nó vẫn còn gần như nguyên vẹn nhưng động lực, niềm tin thì giảm xuống so với thời trước. Sau này, mình có một số phong trào như xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây con, sản phẩm, hay như chương trình “Xây dựng nông thôn mới”…

Đây là những phong trào tốt, nhưng vẫn cần phải vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung. Như chương trình “Xây dựng nông thôn mới” chẳng hạn, hình như một số tiêu chí không tính tới yếu tố văn hóa làng xã. Không phải chỗ nào cũng đường nhựa, đường bê tông là đẹp, không phải ở đâu cũng nhà mái bằng, cũng nhà “ống”… là “nông thôn mới”. Phải xem nó có phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam, dân tộc Việt Nam hay không.

Còn để phong trào có được sự ảnh hưởng, lan tỏa rộng lớn, rất cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; rất cần có một người đi đầu, làm gương để mọi người noi theo, như cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm. Có một người lãnh đạo gần gũi với nhân dân, hiểu dân và sẵn sàng làm gương cho dân noi theo thì chắc chắn phong trào nào phát động cũng sẽ được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Là người bỏ nhiều tâm huyết và công sức nghiên cứu về Hồ Chủ tịch, ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam?

- Ngay từ khi từ mới bước chân vào con đường cách mạng, ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao nông dân với vai trò lực lượng quần chúng quan trọng của cách mạng. Cần nhớ rằng, trong cách mạng Việt Nam, lực lượng quần chúng đại đa số là nông dân. Ngay cả giai cấp công nhân và phần lớn lực lượng trí thức thì đa phần trong số họ đều xuất phát từ giai cấp nông dân.

Chính vì thế, cuộc cách mạng của Việt Nam ngay từ đầu đã xác định là cuộc cách mạng “tư sản dân quyền” và “thổ địa”, giành độc lập dân tộc cũng có nghĩa lấy đất từ tay giai cấp bóc lột chia cho dân cày. Đây chính là mục tiêu, là động lực để tập hợp lực lượng. Trong lịch sử, nông dân Việt Nam cũng có nét chung với nông dân nhiều nước, nhưng có một đặc trưng là bất kỳ người nông dân nào cũng mang trong mình một lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với làng quê, mảnh ruộng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo nguồn gốc nông dân, ở một vùng làng quê thuần Việt, thuần nông. Tư tưởng của Bác, của Đảng ta đề ra từ 1930, vấn đề về nông dân, ruộng đất luôn được xác định rõ ràng và nhất quán. Trong suốt cả sự nghiệp của Bác Hồ, những người đi theo Bác phần lớn cũng là những nông dân hay trí thức có nguồn gốc từ đồng quê, thôn dã mà ra. Khi làm cách mạng, họ giải phóng dân tộc, đồng thời họ giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Về mối quan tâm của Bác với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã có rất, rất nhiều phim, ảnh, bài báo, tư liệu, tác phẩm văn học, nghệ thuật ghi lại tư tưởng, tình cảm, phong cách của Người: Người đến tận từng thửa ruộng gặp nông dân; Người đạp guồng nước hoặc kéo dây gàu múc mước chống hạn; Người nâng niu củ khoai, củ sắn của người dân tặng Người; trong bữa ăn đạm bạc hàng ngày của Người, vẫn không thể thiếu tương, cà, rau, củ.

“Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời/Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường” - thơ Tố Hữu). Phải nói rằng, ít có người lãnh tụ nào lại có hình ảnh giản dị, gần gũi, thân thương, tin cậy với người nông dân, với nhân dân của mình như Hồ Chí Minh.

Không chỉ với tầng lớp trí thức, ngay cả với những tù binh của Pháp, của Mỹ khi bị bắt và được gặp Bác, nhìn cách ứng xử của Bác đều cảm thấy, như nhà báo Xô viết Ôxip Manđenstan đã từng viết rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai” (theo Báo “Ngọn lửa nhỏ” 1923)”.

Hoàn thiện sớm chính sách về đất đai

Vừa qua, báo NTNN cũng như một số báo có nói đến thực trạng tại nhiều địa phương, người nông dân bỏ ruộng vì trồng lúa quanh năm chỉ đủ ăn. Với vai trò là người làm việc ở cơ quan định hướng tuyên truyền của Đảng, theo ông, báo chí cần nhìn nhận và đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Đây là một vấn đề lớn. Người nông dân đã hết sức trăn trở trên mảnh ruộng của mình. Còn khi họ bỏ ruộng, đây là vấn đề cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Tại sao họ lại trả ruộng? Vì họ làm ra hạt lúa, củ khoai trên mảnh ruộng đó, với các chi phí đầu vào như hiện nay, sau khi khấu hao thì không còn được bao nhiêu do đầu ra quá thấp. Một người nông dân chân chính, có sức vóc, trí tuệ, làm ăn chăm chỉ quanh năm, thậm chí còn thua một anh xe ôm thì rõ ràng không chấp nhận được.

Như vậy vấn đề cần đặt ra là: Chính sách của chúng ta với cây lúa nói riêng, với tam nông nói chung phải đổi mới thế nào để người nông dân bớt khổ? Những cái đó phải được đặt ra sớm và giải quyết rốt ráo. Nhà nước cũng đã đặt ra mục tiêu làm sao để người nông dân phải được hưởng lãi ít nhất là 30%. Kể cả đạt được mức lãi này thì vẫn là thấp.

Do vậy, chúng ta phải tính, trong 3,8 triệu ha đất lúa, cần có sự phân bố, cơ cấu hợp lý, đất nào trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, đất nào trồng hoa màu, cây công nghiệp, nuôi trồng thuỷu sản cho năng suất, giá trị cao... Ngoài ra, phải đảm bảo yếu tố bền vững bằng việc có quy hoạch vùng rõ ràng, có phân công sản xuất theo lộ trình nhất định, phải tìm đầu ra cho nông nghiệp ở cả trong và ngoài nước…

Thưa ông, nước ta là một nước thuần nông với hơn 70% dân số là nông dân. Nhưng dường như vị thế của người nông dân chưa được nhìn nhận đúng, lĩnh vực tinh thần của nông dân chưa được quan tâm nhiều?

- Năm nay, chúng ta tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là một nghị quyết về văn hóa rất quan trọng, rất có tầm, có giá trị bền vững lâu dài. Nhìn xa hơn một chút, năm 1943, chúng ta có Đề cương văn hóa VN, trong đó có nêu một tư tưởng chỉ đạo là: Đảm bảo tính dân tộc, khoa học và đại chúng.

Trong văn hóa, đương nhiên là cả chính trị và kinh tế, vai trò của người nông dân và truyền thống văn hóa lúa nước, văn hóa đê điều, văn hóa làng xã… luôn cần được nhấn mạnh, đề cao. 15 năm vừa rồi, chúng ta đã thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, xây dựng, tăng cường thiết chế văn hóa ở nông thôn.

Nhưng bây giờ, nói đến việc xây dựng nông thôn, từ quy mô cấp tỉnh, huyện cho đến xã, thôn, điều cần làm trước tiên luôn là phải làm thật tốt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của khu vực đó. Nếu không, nông thôn sẽ phát triển tự phát, thậm chí tùy tiện và sẽ không thể định hình một cách khoa học và tốt đẹp trong tương lai.

Trong quá khứ, khi thực hiện cải cách ruộng đất ở thế kỷ trước, do nóng vội, duy ý chí, cộng với những tác động, thậm chí là sức ép từ bên ngoài, chúng ta đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Theo ông, trong quá trình xây dựng, đổi mới tam nông hiện nay, có những hạn chế hay thiếu sót nào mà chúng ta cần phải điều chỉnh, sửa chữa để bước tiếp?

- Không ai dám khẳng định trong quá trình phát triển sẽ không mắc phải những sai sót, sai lầm. Vấn đề là chúng ta có dám nhìn thẳng vào những sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa hay không mà thôi. Khi Đảng ta có những sai lầm trong cải cách ruộng đất, chính Bác đứng ra nhận lỗi, một số đồng chí có trọng trách trong Đảng cũng phải chuyển công tác.

Còn hiện nay, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng đã gặp phải những sai sót, yếu kém. Điều mà tôi cũng như nhiều người khác canh cánh, là luật pháp, chính sách về đất đai, trong đó có việc đền bù, thu hồi đất đai của nông dân ở một số nơi khá tùy tiện. Nếu thu hồi đất cho những công trình phục vụ lợi ích xã hội, công cộng chính đáng thì người dân sẵn sàng, nhưng với những công trình phục vụ mục đích thuần túy thị trường thì người dân cần được tham gia công việc này từ đầu đến cuối, kể cả giá cả, tái định cư.

Bác Hồ từng nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Người cũng căn dặn “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Muốn vậy, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân. Tất nhiên, phải xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách phải đúng, phải nghiêm, trong đó, nhân dân là chủ thể.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không để các nhóm lợi ích xen vào thao túng chính sách, pháp luật. Hãy nghĩ rằng, đau đáu rằng, ở một nơi nào đó, khi mỗi một khu đô thị mọc lên, nếu đi theo là biết bao giọt nước mắt, mô hôi mặn chát, cay đắng, uất ức của người nông dân đổ ra. Dứt khoát không được như thế. Thậm chí, tuyệt đối không được như thế.

Xin trân trọng cám ơn ông !