Chọn “anh” hay “ả”?Sự lúng túng của các DN thể hiện rõ qua việc đến nay chỉ có 5 mô hình báo cáo điển hình xây dựng vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn, nhưng mỗi mô hình lại làm một kiểu khác nhau. Có DN thì bao tiêu hết từ khâu vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật,…) đến đầu ra, nhưng có DN do thiếu vốn nên bỏ mặc khâu đầu vào cho nông dân tự lo, mà chỉ đặt hàng trồng giống lúa gì, chất lượng ra sao rồi bao tiêu sản phẩm. Hay có DN lo một phần đầu vào, rồi đảm bảo đầu ra… Mỗi mô hình lại có những ưu, khuyết điểm riêng.
Doanh nghiệp vẫn phải dựa vào hàng xáo để tổ chức thu mua lúa gạo.
Một trong những DN lương thực đi đầu trong việc liên kết với nông dân, địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn là Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex). Thực hiện từ năm 2008, đến nay DN này đã có vùng nguyên liệu riêng lên đến 9.000ha. Công ty áp dụng theo mô hình “cổ điển” là lo hết từ khâu đầu vào đến đầu ra cho nông dân. Thành quả đạt được là công ty đã tạo được nhiều giống lúa chất lượng cao, sản phẩm đồng nhất, tạo được thương hiệu gạo đặc sản và xuất khẩu sang Nhật với giá cao.
Thế nhưng ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Angimex cũng thừa nhận, công ty ông đang “đuối” dần với mô hình này. Bởi khi mở rộng diện tích bao tiêu lên thì công ty không còn đủ khả năng về vốn để cung cấp vật tư đầu vào như trước nữa, đồng thời DN cũng không theo kịp sự “phình to” về nhân sự, cũng như phương tiện phục vụ công tác thu mua, vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy khi vào cao điểm thu hoạch.
“Đặc biệt, DN phải đầu tư rất lớn cho công tác sấy lúa, bởi khi thu hoạch rộ, lúa các nơi đổ về dồn dập, nếu không sấy kịp thì lúa sẽ ngả vàng, ẩm mốc, chất lượng hạt gạo sẽ giảm ngay. Trong khi đầu tư cho 1 máy sấy không hề rẻ, những 4–5 tỷ đồng” – ông Tiến than.
Đầu tư lớnĐể giải quyết vấn đề vận chuyển trong khu vực ĐBSCL nhiều sông, rạch, đồng ruộng nhỏ lẻ, phải đi thu mua lắt nhắt khắp nơi, Công ty CP Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà đã xây hẳn một nhà máy ngay trung tâm vùng nguyên liệu 2.500ha của mình ở Tam Nông (Đồng Tháp). Khu vực nhà máy rộng tới 3ha, đảm nhận đầy đủ các chức năng kho chứa, sấy, đánh bóng hạt…, với tổng đầu tư 250 tỷ đồng.
Ký hợp đồng với HTX, tổ hợp tác Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, dựa trên một số hạn chế về vốn, nguồn nhân lực của DN và để việc xây dựng vùng nguyên liệu khả thi, VFA đã thống nhất chọn mô hình ký hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa với HTX, tổ hợp tác (chứ không ký trực tiếp với hộ nông dân) theo 1 – 2 loại giống mà DN đã đặt trước, tức chỉ lo đầu ra. Còn đầu vào, địa phương, HTX sẽ kết hợp với DN cung ứng vật tư đầu vào lo. VFA sẽ hợp tác với thương lái để lo khâu thu mua và vận chuyển, sấy, nếu HTX làm được các dịch vụ này thì càng tốt. Cùng với đó, VFA sẽ vận động 120 DN trong hiệp hội làm ngay trong vụ lúa đông xuân tới, với diện tích ít nhất 200ha/DN.
|
Công ty Gentraco (Cần Thơ) thì lại chọn cách hợp tác với thương lái để giải quyết khâu sấy và nhân sự thu mua. Họ cho rằng, đội ngũ thương lái (hàng xáo) đã có sẵn khắp ĐBSCL, lại có hệ thống lò sấy nhất định, nếu bỏ qua thì rất uổng phí. “Chỉ cần DN biết chọn mặt gửi vàng, hợp tác với các hàng xáo có uy tín, đủ phương tiện vận chuyển và hệ thống sấy đủ lớn thì có thể ký với họ hợp đồng vận chuyển lúa từ ruộng về kho, giá thu mua đúng với giá ghi trong hợp đồng. Tương tự như vậy là hợp đồng làm dịch vụ sấy, giao lúa loại gì, ẩm độ bao nhiêu, nếu DN có sự kiểm tra chặt chẽ thì cũng tránh được tình trạng tranh mua tranh bán, hoặc thương lái pha trộn gạo khi giao” – bà Lưu Thị Lan- Phó Tổng Giám đốc Công ty Gentraco chia sẻ.
Cũng theo bà Lan, để tránh xảy ra tranh chấp khi nông dân “bẻ kèo” bán lúa ra ngoài khi thương lái trả giá cao hơn, thì phải có sự gắn kết chặt chẽ với chính quyền và phòng nông nghiệp, khuyến nông địa phương. Một mặt sẽ giúp DN trong khâu kỹ thuật, khuyến nông, vốn không phải chuyên môn của DN, một mặt sẽ là đơn vị đứng ra hòa giải, phân xử khi tranh chấp xảy ra.