Theo đó, khu ruộng Gốc Gạo là đất mạ mùa, được chia theo nhân khẩu từ năm 1988 và một số hộ hợp đồng thuê đất 25 năm với thôn chưa hết hạn. Năm 2010, khu ruộng này bị thu hồi một phần để xây dựng bệnh viện, nhưng người dân lại không được bồi thường về đất mà chỉ nhận được một số khoản hỗ trợ và bồi thường hoa màu trên đất.
Người dân bức xúc về việc đất bị thu hồi không được bồi thường.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Xuân Sinh - nguyên Chủ tịch UBND xã Cao Thắng thời kỳ những năm 80 thế kỷ trước cho biết: Ruộng khu Gốc Gạo chia theo nhân khẩu cho các hộ dân từ năm 1988 như phản ánh là đúng. Năm 1993, thôn đã vận động người dân, thu lại một phần diện tích ruộng khu Gốc Gạo, cho thuê để lấy kinh phí làm đường điện. Cuối năm 2008, hết hạn thuê, đất lại được trả về cho dân. Nằm trong số được trả đất này có khoảng 170 trường hợp, nhưng chỉ có hơn 10 trường hợp thuộc diện phải thu hồi đất. Trong khi các hộ cùng được trả ruộng nhưng không bị thu hồi đất vẫn đang canh tác bình thường, thì các hộ bị thu hồi đất mà không được bồi thường là vô lý.
Ông Cao Xuân Ái - Chủ tịch UBND xã Cao Thắng khẳng định: Để đảm bảo quyền lợi cho công dân, UBND xã sẽ chuyển đổi cho những hộ bị thu hồi đất đến khu ruộng khác.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự): Căn cứ Điều 14, Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Điều 46 Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì việc không bồi thường về đất trong các trường hợp nêu trên là trái pháp luật. Ngoài việc được nhận các khoản hỗ trợ, người bị thu hồi đất phải được đền bù về đất. UBND xã chuyển đổi cho những hộ bị thu hồi đất đến khu ruộng khác là việc làm cần thiết để đảm bảo đời sống cho người dân. Tuy nhiên, đây không phải là việc chuyển đổi mà là thực hiện việc đền bù bằng đất cho các hộ được bồi thường.