Dân Việt

Hạnh phúc muộn màng ở “thung lũng hoàn lương”

Gia Ly (Dòng Đời) 18/08/2013 06:50 GMT+7
Họ là những con người đã có một thời lầm lỡ, khi được trở về, họ đã làm tất cả để quên đi quá khứ.
Nhiều năm trôi qua, gần ba mươi con người từng là trại viên của Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 (Đà Nẵng) ngày ấy giờ đã có cuộc sống yên bình, hạnh phúc dẫu còn nhiều khốn khó…

Muôn nẻo đến với “thung lũng hoàn lương”

Chẳng biết vì sao những người dân ở đây gọi mảnh đất này bằng cái tên như thế. “Thung lũng hoàn lương” là thung lũng nhỏ, êm đềm bên bến sông Cu Đê. Đây cũng là lối vào thung lũng này trong xóm nhỏ Bầu Bàng (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Dưới bến sông, người phụ nữ chèo đò - có thâm niên gần 20 năm - trầy trật giữ chiếc đò mỏng manh đưa chúng tôi vượt sông qua bờ Lộc Mỹ.
Một cựu trại viên
Một cựu trại viên
Trong câu chuyện rôm rả, người phụ nữ chèo đò nói: “Các anh chị nhà báo vào thung lũng để viết về trại viên 05-06 chứ gì? Lâu lâu mà thấy người từ ngoài vào là chúng tôi biết ngay. Tuy xóm này cuộc sống còn nhiều khổ cực, nhưng được cái là lạ nhất Đà Nẵng đấy!”.

Hỏi ra mới biết, người phụ nữ này cũng đã từng là một trại viên. Sau khi hết thời gian trong trại 05-06, chị về đây sống một cuộc đời an bình, thanh thản. Chị tên Trần Thị Phúc, 53 tuổi quê Điện Bàn, Quảng Nam. Trên chuyến đò đưa chúng tôi đến với những mảnh đời hoàn lương như lời kể của chị, chị chậm rãi kể về cuộc đời mình như một cuốn phim buồn giữa mênh mông sông nước Lộc Mỹ.

Ba mẹ mất sớm, những năm 1977, 1978, chị Phúc đã lỡ dấn thân vào chốn “lầu xanh”, trở thành một gái làng chơi khét tiếng Đà Nẵng thời bấy giờ. Sống lang bạt kỳ hồ với những cuộc tình một đêm với nhiều kẻ có tiền được một thời gian, chị bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm 4 năm. Đây là quãng thời gian để chị nghiền ngẫm lại những lỗi lầm mình đã gây ra và chuẩn bị tâm lý chia tay quá khứ, tìm đường hướng thiện. Cơ hội làm lại cuộc đời đến với chị. Chị cho rằng đó là bước ngoặt cuộc đời dẫn lối cho chị thực hiện ước mơ hướng thiện của mình: ngày chị được làm cô dâu với trại viên cùng trung tâm là anh Nguyễn Văn Tài.

Đám cưới của hai người được cán bộ trung tâm cho phép tổ chức năm 1980, với những tình cảm đơn sơ và ấm nồng của mọi người trong trung tâm. Cuối năm ấy, chấp hành xong thời gian cải tạo, hai vợ chồng chị đã chọn thung lũng Lộc Mỹ an cư lập nghiệp. Bây giờ, anh chị cũng đã có con khôn lớn, yên bề gia thất và có cháu ngoại 14 tuổi, được đến trường học chữ đàng hoàng. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc bất tận của anh chị trên bước đường hoàn lương, làm lại cuộc đời của mình…

Rời con đò nhọc nhằn của chị Phúc, thôn Lộc Mỹ hiện ra giữa không gian lọt thỏm bốn bề núi non. Chúng tôi lại có dịp gặp “cựu trại viên” Trần Thị Minh Nguyệt (57 tuổi), thời còn niên thiếu chị được mệnh danh là “kiều nữ” bởi nhan sắc nhất nhì ở vùng đất Chu Lai (Quảng Nam). Do ba mẹ mất từ nhỏ nên lớn lên chị sớm sa ngã vào vòng xoáy của kiếp hồng nhan chốn thanh lâu. Không một mảnh giấy tờ tùy thân, năm 1979 chị bị “hốt” vào trung tâm phục hồi nhân phẩm.
Cảnh lao động sản xuất của người dân nơi thung lũng hoàn lương

Rời trại, được nhiều trại viên khác động viên, chị về Lộc Mỹ sống chung đến bây giờ. “Tui vốn phải nhiều năm sống cô lập giữa đời, nên bây giờ quen rồi cảnh tự sống, tự làm, tự ăn. Ở đây có chị, có em cùng cảnh ngộ để đêm về chuyện trò với nhau sau ngày làm việc nên vui lắm”, chị Nguyệt tâm sự. Bên nhà chị Nguyệt, vợ chồng anh Tại-chị Quyên cũng được các cán bộ trong Trung tâm 05-06 đồng ý cho kết duyên vào năm 1991.

Sau một năm ra trại, cả hai đã đồng lòng về sinh sống ở Lộc Mỹ, cùng chắt chiu làm lụng nuôi nhau. Sau đó, chị sinh được bé gái kháu khỉnh - Huyền My. Được cha mẹ lo cho đến trường học bằng bạn bằng bè, nay My đã tốt nghiệp và đang làm việc ở Đà Nẵng.

Trong xóm, gần nhà chị Nguyệt còn có rất nhiều những mảnh đời chọn nơi này làm chốn hoàn lương. Gia đình chị Huỳnh Thị Lệ cũng là một trong số rất nhiều cựu trại viên nơi này. Trước đây, chị cũng từng là một “nữ giang hồ có tiếng” ở đất này. Nhưng sau khi được học tập ở trại, chị đã quyết tâm từ bỏ con đường giang hồ của mình, chọn một cuộc sống ẩn dật nhưng thanh thản. Chị bảo nếu kể về những ngày tháng trước đây, chỉ thấy buồn. Nhưng âu đó cũng là số phận. Có như thế chị mới đến đây và được làm bạn với những người có cùng một quá khứ như mình, để cùng nhau vươn lên.

Những mảnh đời hướng thiện

Tại thung lũng, mọi người dân còn đặt cho xóm này một cái tên khác là “Xóm hoàn lương”. Không còn mặc cảm như những ngày mới hòa nhập cộng đồng, bất kỳ ai trong số họ cũng sẵn lòng kể lại những mẩu chuyện buồn vui của cuộc đời mình. Quả thật con đường hoàn lương của những “cựu trại viên” ở thôn Lộc Mỹ này khiến chúng tôi vô cùng cảm phục.
img
Cảnh lao động sản xuất của người dân nơi thung lũng hoàn lương

Ngày lại ngày, họ rau cháo nuôi nhau, cùng sẻ chia sướng khổ, vui buồn, học tập, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, phát triển đồi rừng. “Sống bên nhau như vậy là hạnh phúc rồi. Chúng tôi bây giờ ai cũng cầu mong cái ngày buồn xưa ấy sẽ ngủ yên, để hướng tới một cuộc đời mới tươi sáng, tốt đẹp hơn. Mong nhất là lũ trẻ mai này không còn mặc cảm vì cuộc đời cha mẹ chúng nữa” - chị Quyên nói.

Ngoài những người từng là trại viên, nơi đây còn có cả những người đã biết vượt qua tất cả quá khứ để sống một cuộc sống êm ấm bằng tình yêu thương và sự sẻ chia. Câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sáu (54 tuổi) và chị Bùi Thị Sĩ (49 tuổi) là một điển hình như thế. Nên duyên năm 1989, hai vợ chồng quyết định về đây khai hoang vỡ đất. Đến hôm nay, cái ăn cái mặc của vợ chồng anh đã có phần dư dả. Trong nhà đã có xe máy để đi; tivi, đầu máy để xem; có con trâu, con bò làm vốn. Ngày trước, anh Sáu vốn là một thanh niên thành phố Đà Nẵng, vì cuộc sống khó khăn, anh quyết định vào Lộc Mỹ làm kinh tế mới.

Gặp chị Sĩ, anh hiểu rõ chị là nữ trại viên 05-06, từng lầm lỡ với bụi trần, phải vào trường phục hồi nhân phẩm, nhưng anh Sáu vẫn quyết định kết duyên với chị mặc cho ba mẹ và những người thân trong gia đình quyết liệt phản đối. Cười thật tươi bên người vợ, anh Sáu nói: “Hạnh phúc với tôi là một cái gì đó rất giản dị, bởi khi đó con người ta thực sự vượt qua được những toan tính, dị nghị, và cả những bất hạnh của đời thường để rồi sống thật với con người của chính mình”. Khâm phục anh, người dân nơi đây tín nhiệm bầu anh làm phó trưởng thôn phụ trách kinh tế. Những việc anh làm đều được bà con chòm xóm noi theo, học hỏi.

Trong câu chuyện với anh Sáu, chúng tôi hiểu rằng xã hội hôm nay đã thực sự xích lại gần hơn với những người một thời lầm lỗi, cho họ một đời thường để sống bình thường như bao nhiêu con người khác.

Nhìn những khuôn mặt rạng ngời niềm hân hoan đang chăm sóc những luống rau tươi non trong nắng mới, tôi hiểu rằng, những con người ở đây có thể đã từng lầm lỡ với xã hội, nhưng giờ đây họ là những con người đầy nghị lực trên nẻo đường hoàn lương để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Ông Phạm Tân Minh, trưởng thôn Lộc Mỹ chia sẻ: “Xóm hoàn lương này đã chiếm hơn 1/3 số hộ dân đang sinh sống trong toàn thôn. Những năm qua, tất cả các hộ đã được hỗ trợ xóa nhà tạm, từng bước ổn định cuộc sống. Thời điểm này, trong số đàn gia súc, gia cầm gần 2.000 con hiện có, các gia đình ở “xóm hoàn lương” chiếm tỷ lệ tới 1/4.

Điều này khẳng định, họ đã nỗ lực rất nhiều để phấn đấu, hoàn thiện mình, xóa hết mọi mặc cảm của cuộc sống để hòa nhập cộng đồng sống tốt, sống có ích”. Theo ông Minh, mong ước lớn nhất của gần 30 hộ dân “cựu trại viên 05-06” là những năm tới sẽ có những dự án được các cấp quan tâm như bê-tông hóa những con đường, có những khu vui chơi giải trí phục vụ cho sinh họat của người già, con trẻ vùng đất này.