Dân gian vẫn có câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, với trường hợp của chàng trai người Quảng Nam này thì điều đó hoàn toàn đúng. Chỉ vì người cha mang tiếng “bồ bịch”, mà con trai bị trả lại lễ vật đám cưới. Chàng trai và cô gái cố gắng đấu tranh nhưng chỉ vì “bên thông gia quá lăng nhăng” nên nhà gái nhất định không đồng ý.
Cha say men tình, con nhận nỗi đauĐã mấy ngày trôi qua kể từ khi bên nhà gái mang đồ lễ sang trả lại, chàng trai Bùi Đức Sinh (1988, trú khối phố Hòa Đông, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh không thể hiểu vì sao bên nhà gái đã nhận đồ cưới rồi mà còn đem trả lại, và nhất định không chịu gả con gái họ cho anh.
Anh Sinh đau đớn với kỷ vật của cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Đi tìm nguyên nhân, anh Sinh càng bẽ bàng khi nhà gái cho biết vì cha anh không đàng hoàng, sợ rằng anh cũng thế sẽ làm khổ một đời con gái họ, nên thà đau một lần còn hơn là sau này cuộc sống gia đình sẽ rơi vào địa ngục, lúc đấy có hối cũng không kịp nữa. Cha anh Sinh, ông Bùi Đức Vinh (53 tuổi) sống bằng nghề xe ôm đón khách trên tuyến đường Nguyễn Hoàng.
Những người cũng chạy xe chung với ông nhận xét: “Trước giờ thằng Vinh hiền lắm, thấy nó lầm lầm lũi lũi có biết gì mấy chuyện trai gái đâu, thế mà không ngờ giờ về già lại sinh thêm cái tật gái gú rồi bỏ vợ bỏ con, đến nỗi người ta cũng chẳng thèm nhận sui gia nữa”. Theo như lời bà Nguyễn Thị Hà (51 tuổi, vợ ông), lúc trước chạy xe được bao nhiêu tiền ông Vinh đều đem về nhà nuôi vợ con, còn bây giờ chạy bao nhiêu lại đem đi nuôi người tình hết.
Vốn có tính trăng hoa, ông Vinh đã nhiều lần bồ bịch lung tung ở bên ngoài. Bà Hà biết chuyện, vì lo gia đình tan vỡ, vì sợ ảnh hưởng tới tương lai con cái nên chỉ âm thầm cam chịu, dùng đủ mọi lời lẽ để khuyên can chồng, nhưng ông Vinh vẫn bỏ ngoài tai tất cả. Hai người tình trước của ông Vinh sau một thời gian chìm đắm vào mối quan hệ trái luân thường đạo lý đã tự động rời bỏ, chuyển đi nơi khác sinh sống. Được một thời gian không lâu, ông Vinh lại tìm kiếm những tình yêu mới.
Người tình của ông Vinh bây giờ là một cô hàng xóm ở cách đó không xa. Đó là một người đàn bà không chồng không con. Những ngày đầu, người phụ nữ này thường hay kêu ông Vinh chạy xe chở mấy mối hàng cho mình nên dần dà nảy sinh tình cảm. Ban đầu còn giấu giếm, sợ ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình nhưng càng về sau họ lại càng nhởn nhơ hơn. Nhiều khi tại điểm đỗ xe đón khách của ông, hai người tình tứ trước mặt bàn dân thiên hạ khiến không ít người cảm thấy khó chịu.
Có người điện thoại báo cho bà Hà biết, nhưng ra đến nơi thì hai người họ đã đi đâu mất. Nhiều người thân, đặc biệt là những người chạy xe ôm cùng ông Vinh đã nhiều lần phân tích thiệt hơn, nói chuyện đủ điều nhưng ông Vinh chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Có những lúc bà Hà và con cái bắt tận mắt đôi gian phu dâm phụ, cố dùng những lời nói ngon ngọt để giành lại chồng nhưng cũng không thành.
Chính quyền địa phương biết chuyện, nhưng vì không có đơn của bà Hà nên họ chỉ có thể nhắc nhở chứ chưa thể xử lý được. Nhiều lúc bà Hà muốn chấm dứt tình cảnh oái oăm này, nhưng ông Vinh không chịu ly hôn. Bà Hà thì lại nghĩ sống với nhau cả một đời, có mấy mặt con rồi mà đem nhau ra tòa ly hôn cũng chẳng hay ho gì, chính vì thế bà chịu nhịn.
Nhiều lúc, người tình thiếu vốn buôn bán, ông Vinh lại vay mượn bạn bè, có khi chạy về nhà lấy thêm tiền vàng đưa cho người tình của mình. Hai vợ chồng sống với nhau đã gần cả đời người, đã có bốn mụn con, người con gái đầu cũng đã lập gia đình, thế nhưng ông Vinh vẫn chưa mãn nguyện với cuộc sống cùng người vợ hiền và ba đứa con còn lại.
Bà Hà chia sẻ, bà không phải tiếc rẻ chi những đồng tiền mà là sự nuối tiếc một gia đình hạnh phúc ngày nào đang có nguy cơ tan vỡ. Ở cái tuổi lẽ ra phải làm gương cho con cháu, vậy mà ông Vinh lại chạy theo mối tình riêng, khiến hạnh phúc của đứa con trai bị ảnh hưởng.
Nỗi đau mất vợ vì sự sa đọa của người cha
Lại nói về Sinh, từ bé thấm thía với cảnh nghèo túng. Không được ăn học đến nơi đến chốn như những đứa bạn cùng trang lứa, Sinh đã sớm phải bôn ba lập nghiệp ở Sài Gòn từ tuổi mười lăm. Sinh hiểu hoàn cảnh gia đình mình nên tự lập từ rất sớm. Biết cha mình bê tha đổ đốn như thế, dẫu đã nhiều lần lựa lời khuyên bảo nhưng chẳng được, thế nên Sinh cũng đành mặc kệ không nói đến nữa.
Ngôi nhà nghèo khó của Sinh luôn đóng im ỉm vì tủi cực .
Đến nay ở cái tuổi hai lăm, Sinh đã có đủ vốn để tự mình đứng chủ một tiệm photo nhỏ và chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân với người mình yêu. Người yêu của Sinh là một cô gái cùng địa phương, xinh xắn và nết na. Cô yêu Sinh vì đức tính hiền lành, chịu thương chịu khó, lại thương mẹ. Hai người gặp nhau lúc Sinh mới từ TP.HCM về quê lập nghiệp, sau mấy lần gặp gỡ thì nảy sinh tình cảm. Tình yêu được tô đắp từ nhiều mơ ước, những tưởng mọi chuyện êm xuôi nhưng không ai có thể ngờ, hạnh phúc tưởng chừng như đang trong tầm tay thì chỉ trong chốc lát từ nụ cười đã hóa thành những giọt nước mắt.
Vì sự sa đọa trong cuộc tình với người đàn bà hàng xóm của người cha mà hạnh phúc của Sinh đã tan vỡ, bởi nhà vợ Sinh không thể chấp nhận được một ông sui gia hư đốn như thế nên, họ đã thúc con gái trả lễ khi đám cưới theo dự định sẽ diễn ra vào tháng 10 này.
Đã có sẵn định kiến, thêm phần biết được lối sống không mấy đường hoàng của ông Vinh, thế là ý định dập tắt hôn nhân của nhà gái càng mạnh. Bên nhà gái không cần biết đến cảm giác của hai người trẻ, không cần biết đến sự thiệt thòi của con gái, họ đã thúc con gái đi trả lễ. Vì tuổi còn nhỏ, suy nghĩ mọi chuyện chưa sâu sắc, thêm phần tác động của cha mẹ, vợ chưa cưới của Sinh đã mang tất cả lễ vật trả lại cho nhà trai.
Mặc dù rất đau khổ khi cùng lúc xảy ra nhiều sự việc không tốt như vậy, gia đình không êm ấm, hôn nhân đổ vỡ nhưng Sinh vẫn cố đứng vững, vẫn cố gắng gượng cười khi gặp ai đó để che bớt đi nỗi lòng đang u sầu. Nói chuyện với tôi, Sinh cứ nhẹ nhàng như nỗi đau đã qua rất nhanh, nhưng không phải thế. Sinh trầm tư bảo: “Thôi cứ xem như có duyên mà không có nợ anh ạ.
Mình thương họ nhưng họ nỡ phụ mình thì cũng đành chịu chứ biết làm sao, hạnh phúc hay không tự họ tìm lấy, còn chuyện của cha thì cả mẹ lẫn mấy anh em cùng hàng xóm nói cũng nhiều rồi mà ổng không nghe thì thôi giờ biết nói gì. Hãy để thời gian giải quyết mọi chuyện!”. Sinh cố giấu đi những giọt nước mắt, nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã đủ nói lên được phần nào nỗi đau mà chàng trai ấy đang chịu đựng. Nhắc đến người vợ chưa kịp cưới, Sinh không giận, không ghét, nhưng anh khẳng định sẽ không có ai tốt với cô ấy bằng mình.
Còn khi nhắc đến người cha Sinh chỉ biết nói: “Với ông, lúc nào mình cũng tôn trọng. Nhưng sự thật thì mình không còn thấy ông là tấm gương để mình noi theo nữa!”. Chẳng biết khi đọc những dòng này, người cha ấy có cảm thấy mình có lỗi trong hạnh phúc của gia đình, trong hạnh phúc của con cái hay không. Còn với Sinh, mỗi lần nhìn vào lễ vật bị nhà gái mang trả, Sinh chỉ biết ứa nước mắt.
Cau trầu giờ đã héo úa, chỉ còn lại chiếc nhẫn vàng nằm gọn trong chiếc khăn tay kỷ niệm của hai người. Nhưng giờ cũng đã vô nghĩa mất rồi. Bà Hà thấy vậy sợ con mình mắc bệnh trầm cảm, bà cũng khuyên nhủ, rồi nhờ bạn bè rủ Sinh đi chơi đâu đó sau mỗi giờ làm việc để Sinh giảm bớt căng thẳng.
“Giờ nếu cho tôi một điều ước tôi ước sao mọi thứ đều trở về đúng vị trí của nó”, bà Hà vừa khóc vừa nhìn con bằng ánh mắt chan chứa tình thương vô bờ bến. Sinh lặng lẽ nhìn đi chỗ khác để giấu đi giọt nước mắt trên khuôn mặt đã thấm buồn. Rồi anh chợt tươi tỉnh nhìn tôi bảo: “Có lẽ tất cả đều do số phận nhà tôi phải như vậy, đành phải chấp nhận thôi, gắng chịu đựng mà sống, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi”. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, rồi có ngày khi bước chân đã mỏi, ông Vinh có thể cũng sẽ trở lại với vợ con, rồi anh Sinh sẽ lại có vợ.
Thời gian có thể xóa hết dấu vết nhưng liệu có thể xóa đi vết thương lòng mà hai mẹ con đang phải trải qua từng ngày hay không?