Dân Việt

Hôm nay, Quốc hội sẽ chất vấn thành viên Chính phủ về những vấn đề gì?

Lương Kết 19/11/2013 06:56 GMT+7
Theo lịch làm việc của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, hôm nay (19.11), Quốc hội bắt đầu tiến hành nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ.
Lần lượt các Bộ trưởng NNPTNT, Nội vụ, Thông tin - Truyền thông, Chánh án TAND Tối cao và Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn. Trao đổi với phóng viên NTNN, các đại biểu Quốc hội đã tiết lộ những vấn đề nóng mà họ sẽ chất vấn...

Chất vấn về giải pháp giúp nông dân

Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, liên quan đến lĩnh vực tam nông thì vấn đề đời sống của người nông dân bấp bênh, nhiều sản phẩm nông nghiệp hiện nay không có lối ra... sẽ là vấn đề trọng tâm dành chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát.

Theo đại biểu (ĐB) TP.HCM Nguyễn Văn Phụng, hiện nay cả nước có 43 tỉnh đang thực hiện mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Đây là hoạt động có sự liên kết, có hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ở địa bàn TP.HCM và huyện Mộc Châu (Sơn La), việc chăn nuôi bò sữa có hợp đồng tiêu thụ, liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và nhà sản xuất. Đây là mô hình rất tốt, góp phần giúp nông dân tăng thu nhập, yên tâm về đầu ra của nông sản...

Nhưng bên cạnh đó, những lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác như chăn nuôi gia súc, đặc biệt là chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy hải sản thì sản phẩm của nông dân làm ra vẫn còn rất bấp bênh về thị trường, nguồn tiêu thụ. “Bộ NNPTNT đã định hình bước đi của vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở các lĩnh vực trên thế nào? Bộ sẽ làm thế nào để giúp nông dân không phải “tự bơi?” – ĐB Phụng cho biết vấn đề ông sẽ hỏi Bộ trưởng Phát.

Lo đầu ra ổn định cho nông sản và đảm bảo đời sống nông dân là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm.
Lo đầu ra ổn định cho nông sản và đảm bảo đời sống nông dân là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm.

Còn theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), một trong những vấn đề cử tri lo lắng nhiều nhất và cũng quan tâm nhiều nhất là bảo vệ rừng. Hiện có tình trạng chuyển đất rừng sang trồng cây cao su không đúng quy hoạch, diễn ra rất phổ biến, là một trong những vấn đề môi trường sinh thái hết sức quan trọng.

“Nội dung này tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tới giờ kết quả kiểm tra, xử lý chưa kiên quyết, chưa đúng trách nhiệm và các bộ, ngành, địa phương cũng chưa quyết liệt lắm” - ông Vở cho biết. Theo ĐB Vở nếu nhóm vấn đề trên Bộ trưởng Cao Đức Phát không trình bày thì ông sẽ cố gắng chất vấn, bởi ảnh hưởng của nó tới môi trường sinh thái rất lớn.

Làm gì để tránh án oan sai?

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) chia sẻ, mỗi bộ trưởng đều có những vấn đề nóng mà ĐB Quốc hội và cử tri đang mong đợi được giải đáp, riêng bà quan tâm vấn đề thủy điện “vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng và gây nhiều bức xúc cho đời sống nhân dân”. Tiếc vì đơn vị quản lý nhà nước về quản lý thủy điện là Bộ Công Thương thì bộ trưởng không được chọn trả lời chất vấn, theo bà Dung?việc Bộ trưởng Bộ NNPTNT đăng đàn cũng có thể giải đáp về hoạt động của thủy điện.

“Quốc hội đã có nghị quyết để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng phát triển thủy điện hiện nay. Nhưng tôi thấy các ĐB Quốc hội cũng đang chờ đợi phiên chất vấn này để làm rõ hơn trách nhiệm về sự phát triển tràn lan thủy điện vừa qua đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân” – ĐB Dung bày tỏ.

Sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ sẽ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Sau đó, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT sẽ trả lời chất vấn đầu tiên.

Theo tổng hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung chất vấn dành cho ngành tòa án của các ĐB là: Trách nhiệm của TAND Tối cao trong việc hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử, giám đốc việc xét xử của tòa án các cấp; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bên cạnh đó là giải pháp để nâng cao chất lượng ngành tòa án; nâng cao chất lượng xét xử, tránh để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.

“Thời gian gần đây có những vụ án, đặc biệt vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang để lại một nỗi lo rất là lớn cho người dân về công tác điều tra, xét xử. Cử tri đang quan tâm mong đợi làm sao Chánh án TAND Tối cao trình bày rõ hơn thực trạng về bộ máy của ngành, những giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế thời gian qua” – ĐB Võ Thị Dung bày tỏ.

Đồng hành cùng Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Công an; Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.