Dân Việt

Cặp đôi đồng tính: “Đòi” quyền làm cha mẹ

Diệu Linh 17/09/2013 14:23 GMT+7
Nhiều cặp đồng tính đã có con, nhưng con cái họ không được thừa nhận. Khá nhiều cặp đôi đồng tính đã lên tiếng “đòi” Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình thừa nhận quyền của họ.
Nhiều cặp đồng tính đã có con, nhưng con cái họ không được thừa nhận. Ngày 17.9, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường iSEE tổ chức Hội thảo về vấn đề này. Khá nhiều cặp đôi đồng tính đã lên tiếng “đòi” Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) phải thừa nhận quyền của họ.

Một cặp đồng tính nữ đang nuôi con gái (ảnh do ICS cung cấp)
Một cặp đồng tính nữ đang nuôi con gái (ảnh do ICS cung cấp)

Khi bố là cậu

Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi, TP Hồ Chí Minh) đã chung sống với bạn trai được 10 năm. Lúc đầu, gia đình anh phản đối quyết liệt vì anh là con trưởng, còn phải lấy vợ, sinh con để nối dõi. Sau thì đành chịu vì anh cương quyết không lấy vợ. Anh Tuấn rất hạnh phúc vì được chị gái rất hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, cuộc sống giữa hai “đực rựa” mà không có con cái, không có trách nhiệm ràng buộc cũng buồn. Vì thế, anh Tuấn và bạn trai bàn bạc chuyện tìm người mang thai hộ để sinh con.

May mắn, người chị gái đã đồng ý mang thai hộ anh. Anh Tuấn và chị gái sang Thái Lan để thực hiện việc mang thai hộ. Phôi thai được hình thành từ tinh trùng của anh Tuấn và trứng đông lạnh mua từ “ngân hàng”. Hiện “vợ chồng” anh đang nuôi con gái 3 tuổi.

Nhưng điều khiến anh buồn nhất là theo quy định của pháp luật, chị gái anh là mẹ còn anh chỉ là cậu của con gái mình. “Không chỉ cảm thấy thiếu ràng buộc về mặt trách nhiệm đối với con mà tôi còn lo lắng không biết khi con lớn lên sẽ giải thích với con thế nào” – anh Tuấn cho biết.

“Theo tổng kết của iSEE, nếu như người dị tính có 70 quyền trong dự thảo sửa đổi Luật HNGĐ thì người đồng tính chỉ có 1 quyền (quyền xác định cha mẹ và con)

Chị Nga và chị Bích cũng đã chung sống với nhau được 4 năm. Hiện hai chị đang nuôi bé trai 5 tuổi (con của chị Bích với chồng trước). Hai mẹ rất yêu thương và chăm sóc con. Tuy nhiên, chị Bích lo lắng nếu mình “có mệnh hệ” gì thì đứa con sẽ phải trả về cho chồng cũ, còn mẹ Nga thì không có quyền lợi gì.

“Tôi tin tưởng rằng bạn gái của tôi sẽ chăm sóc con tôi chu đáo, nuôi dạy cháu nên người. Còn người chồng cũ vừa vũ phu, vừa vô trách nhiệm. Nhưng anh ta lại luôn đòi quyền làm bố đối với dòng giống nhà anh ta. Sẽ thật tàn nhẫn nếu phải trao con tôi cho anh ta” – chị Bích cho biết.

Đây là những bức xúc mà giới đồng tính đã chia sẻ trong Hội nghị thảo luận lấy ý kiến cộng đồng người đồng tính về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường iSEE tổ chức ngày 17.9.

Luật chưa với tới

Ông Trần Khắc Tùng – Giám đốc Nhóm chia sẻ và kết nối ICS (của người đồng tính –pv) cho biết, hiện đã có rất nhiều cặp đồng tính đang nuôi con kể cả cặp đồng tính nam hay đồng tính nữ. Đứa con có thể do một bên sinh ra với vợ (chồng) trước, hoặc con của bà mẹ đơn thân, của ông bố nhờ mang thai hộ, con nuôi… Vì thế, có vô số các vấn đề phát sinh từ mối quan hệ này.

Tuy nhiên, hiện Luật HNGĐ mới chỉ công nhận quyền cha mẹ và con đối với mẹ đẻ hoặc bố đẻ, mẹ nuôi hoặc bố nuôi chứ chưa công nhận hai bố nuôi hoặc hai mẹ nuôi hoặc thừa nhận việc mang thai hộ của người đồng tính.

TS Bùi Minh Hồng – thành viên ban sửa đổi Luật Bộ Tư Pháp khẳng định, việc mang thai hộ hiện nay cũng chỉ được quy định cho các cặp vợ chồng không tự sinh được con chứ chưa quy định cho người đơn thân, vì thế, người đồng tính cũng không được luật pháp bảo hộ quyền nhờ mang thai hộ. Nếu cứ tự ý đi thuê người mang thai hộ mà xảy ra tranh chấp thì luật pháp cũng không phân xử.

“Kể cả có hợp đồng giấy trắng mực đen thì cũng vô hiệu vì trong trường hợp này không thể “trả lại cho nhau những gì đã nhận” – TS Nguyễn Thị Lan (Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ.

Theo bà Lan, để bảo hộ quyền nuôi con thì một bên có thể nhận con đẻ của bên kia làm con nuôi (với điều kiện người bố đẻ phải chấp thuận). Còn trong trường hợp bố đẻ không định cho con làm con nuôi và đòi quyền nuôi con thì pháp luật vẫn bảo vệ quyền lợi của người bố.

TS Lê Quang Bình –Viện trưởng iSEE cho rằng, nếu như không cho người đồng tính kết hôn thì cũng không nên tách họ ra thành một quy định riêng trong Luật.

“Nên coi người đồng tính chung sống không kết hôn thì cũng như nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn và xử lý các vấn đề tương tự như nhau. Vì người đồng tính hay nam-nữ muốn chung sống với nhau là quyền của họ, pháp luật không thể can thiệp. Như thế, người đồng tính sẽ không cảm thấy bị đối xử phân biệt”.

Có rất nhiều vấn đề khác mà người đồng tính mong muốn được quy định nhưng không có trong dự thảo sửa đổi Luật HNGĐ như: bạo lực gia đình, quyền thừa kế (trong trường hợp không có di chúc), quyền nhận con nuôi của hai bố hoặc hai mẹ, quyền đại diện về mặt luật pháp…