Dân Việt

Trách nhiệm xã hội của bóng đá

05/01/2011 14:11 GMT+7
(Dân Việt) - Lãnh đạo đội SLNA vừa ra quyết định loại cầu thủ Phùng Bảo Quốc ra khỏi đội U15 SLNA, với lý do cầu thủ này là chủ mưu trong vụ phá máy ATM để trộm tiền tại TP. Vinh vừa qua.

Thêm một cầu thủ bóng đá trẻ SLNA dính vào chuyện xấu của xã hội khiến người ta giật mình. Cách đây 3 năm, bóng đá Nghệ An rúng động về trường hợp cầu thủ đội trưởng U19 Lưu Văn Hiền bị bắt quả tang đang chích ma túy. Một năm sau đến lượt hai cầu thủ Như Ý và Hồng Việt của đội U17 bị sa thải cũng liên quan đến ma túy. Bây giờ đến Phùng Bảo Quốc, tuy không dính tới ma túy nhưng lại đi ăn trộm tiền.

Kỷ luật và đuổi khỏi đội bóng là đúng nhưng có vẻ như ngay cả những trường hợp ma túy trước đây cho đến trường hợp của Quốc, phía SLNA ra quyết định mang yếu tố chữa cháy, nghĩa là sự việc xảy ra rồi thì đuổi cầu thủ coi như xong trách nhiệm.

Vai trò của bóng đá Nghệ An trong việc đào tạo cầu thủ trẻ là rất lớn. Người hâm mộ rất kỳ vọng nơi này lại sinh ra những chân sút tốt cho ĐTQG nhưng chính cái cách quản lý lỏng lẻo đã khiến đào tạo trẻ SLNA trở thành "điểm nóng" không chỉ ma túy, trộm cắp mà còn cả những cầu thủ dính vào cá độ.

Đó là một sự lãng phí ghê gớm khi mảnh đất Nghệ An còn nghèo, thậm chí nó tai tiếng đến mức nhiều CLB bây giờ đi lượm quân trẻ SLNA phải điều tra mướt mồ hôi xem có tì vết gì không hoặc âm thầm cho đi thử… nước tiểu trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Đào tạo cầu thủ trẻ không chỉ cho ra lò những chân sút giỏi, có giá trên thị trường chuyển nhượng mà trước hết phải là những công dân tốt. Đó là trách nhiệm xã hội của bóng đá và chuyện không chỉ của riêng Nghệ An.