Sáng 9.8, tại Nha Trang (Khánh Hòa), Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.
Trao đổi với báo chí bên lề hội
nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia
cho biết: nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng ở Cần Giờ tương đối rõ.
Nguyên nhân do phương tiện là tàu công vụ không được phép chở khách, phương tiện được chở tối đa 10 người nhưng chở 30 người, ngoài ra còn đi chui, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Cũng theo ông Hiệp, nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phải làm từng vấn đề cụ thể.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tàu này đã 3 lần đề nghị đăng kiểm nhưng đã bị từ chối vì tàu dùng một loại vật liệu mới để đóng tàu, chưa có quy chuẩn nào trên thế giới. Sau đó đăng kiểm hải quân Việt Nam đã đồng ý đăng kiểm nhưng chỉ để làm tàu công vụ.
Ông Hiệp nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các cảng vụ quản lý như thế nào để tất cả các phương tiện, kể cả không chính thức vẫn phải kiểm soát được.
Bên cạnh đó là công tác phối hợp các lực lượng, kể cả quản lý các điều kiện an toàn khi xuất bến, trong đó có cả phương tiện, có cả người lái, có cả điều kiện về thời tiết, địa hình... phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, khi tai nạn xảy ra…
Ông Hiệp cũng cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 1.000 tàu cao tốc, chủ yếu là tàu cao
tốc cũ chở khách, trong đó cơ 20 tàu trên 20 tuổi, 2 tàu trên 30 tuổi. Các
tuyến lớn là Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng – Cát Bà là những tuyến lớn,
chạy cả sông và biển. Trong các quy định hàng hải hiện nay chưa có quy định
nào về niên hạn sử dụng của phương tiện này, Bộ GTVT đang chỉ đạo để xem xét
vấn đề này.
Tàu cao tốc chỉ có một cửa thoát hiểm nhỏ, khi tại nạn xảy ra
thì chắc chắn là thảm khốc. “Ta còn nhiều lỗ
hổng trong quản lý tàu cao tốc. Cần có quy định quy phạm để khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra thì phải
có người chịu trách nhiệm, cơ quan nào, cá nhân nào”, ông Hiệp nói.