Mình là một bà mẹ trẻ mới có con đầu lòng. Trước khi sinh con, mình hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ nhỏ. Tất cả những kiến thức mình có được là do thu thập trên internet cộng với hỏi han kinh nghiệm của người già, các bà mẹ giàu “thâm niên” khác.
Mặc dù có tham gia lớp học tiền sản và chịu khó đọc tài liệu, nhưng mình vẫn cực kì bối rối khi bắt đầu nuôi con. Bé Na nhà mình sinh sớm và chỉ có 2,6 kg khi mới chào đời. Mình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mặc dù phải chịu áp lực rất lớn từ người thân yêu cầu bổ sung thêm sữa ngoài cho bé.
Ảnh minh họa từ internet
Sau 6 tháng, khi mình đi làm, bé phải uống thêm 1 cữ sữa ngoài do mình không thể cho bé bú liên tục cả ngày. Việc chọn loại sữa nào cũng là cả một vấn đề với gia đình mình. Sữa công thức ở Việt Nam có quá nhiều loại để lựa chọn, nhưng chất lượng, nguồn gốc sữa như thế nào thì khó có thể kiểm chứng được.
Mình chỉ biết mua sữa ở các đại lý, cửa hàng uy tín, và chủ trương chọn loại sữa dễ tiêu hoá, mát, nhạt, gần với hương vị sữa mẹ. Mình không chú trọng lắm về vấn đề con uống nhiều sữa sẽ tăng cân, vì mình nghĩ, sự phát triển của một đứa trẻ không chỉ thể hiện qua cân nặng, mà còn là niềm ham thích trong ăn uống, sự tự do lựa chọn những thứ bé cảm thấy phù hợp.
Trong cuộc sống sau này, nếu đứa trẻ nào cũng được tự chủ và được tôn trọng những quyền hạn nho nhỏ như vậy, thì mọi thứ trong cuộc sống của chúng đều có thể là những niềm vui vô biên.
"Câu chuyện của những bà mẹ đi tìm sự an toàn cho con"
- là diễn đàn trên Dân Việt, nơi để các bậc phụ huynh cùng chia sẻ
những tâm sự, câu chuyện cũng như kinh nghiệm... của bản thân trên con
đường đi tìm sự an toàn cho sức khỏe, bảo vệ cuộc sống đầy sắc hồng cho
những thiên thần bé nhỏ... Mọi đóng góp, chia sẻ xin gửi về báo điện tử Dân Việt qua hòm thư baodanviet@gmail.com và ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn Câu chuyện của những bà mẹ đi tìm sự an toàn cho con". Những tâm sự, câu chuyện được đăng trên Dân Việt sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định.
|
Xác định tư tưởng như vậy nên khi con bắt đầu giai đoạn ăn dặm, mình lựa chọn cho con phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, nhưng không cứng nhắc tuân thủ hoàn toàn theo phương pháp này, mà linh hoạt thay đổi, kết hợp dựa trên khả năng và nhu cầu của con.
Nhưng dù theo phương pháp nào, thì mình tâm niệm không ép, không bắt con ăn. Con ăn nhiều hay ít, bố mẹ phải tôn trọng, chỉ nên khuyến khích con ăn, và phối hợp với con tạo ra một bữa ăn lành mạnh, vui vẻ.
Khi bắt đầu cho con ăn dặm, cũng là lúc mình phải đau đầu tìm hiểu về thực phẩm và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Mua gì, nấu gì, những thứ nào là an toàn và tốt cho con? Nhiều người khuyên mình nên mua các thực phẩm dinh dưỡng đóng hộp nhập khẩu, các loại hoa quả nhập khẩu.
Mình cũng từng thử cho con sử dụng một số loại, nhưng nhìn chung, mình không thích lắm những thực phẩm loại này. Vì đa phần, các sản phẩm nhập khẩu thường có chất ổn định, chất bảo quản để giữ sản phẩm được lâu.
Mặc dù nhiều nhà sản xuất cam kết sản phẩm sạch, an toàn cho trẻ nhỏ, nhưng mình vẫn cảm thấy không yên tâm. Mình nghĩ, những thực phẩm tươi sẽ giàu vitamin, chất dinh dưỡng hơn và nhất là an toàn hơn, vì mình có thể tự tay chế biến cho con.
Về hoa quả nhập khẩu, thời gian đầu, mình cũng mua táo, nho nhập khẩu cho bé Na ăn vì những loại quả này giàu dinh dưỡng và có mùi vị hấp dẫn, hầu như bé nào cũng thích. Táo và nho mình không dám mua ở chợ vì sợ là nhập từ Trung Quốc, nên mình vào siêu thị và các cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu.
Tuy nhiên, giá cả của các loại hoa quả này được niêm yết mỗi nơi mỗi khác, làm mình thêm nghi ngờ về nguồn gốc và chất lượng của chúng. Trong một lần mua táo cho con, mặc dù táo có giá rất đắt vì được cam kết nhập khẩu chính hãng từ Mỹ, Úc; mình vẫn chấp nhận mua vì tin tưởng. Nhưng sau gần nửa năm, những quả táo thừa mình bỏ quên trong ngăn mát tủ lạnh vẫn tươi nguyên. Mình đã quyết định đoạn tuyệt với táo nho nhập khẩu và chuyển hẳn sang dùng hoa quả Việt Nam. Những loại như chuối, dưa hấu, cam, bưởi, xoài, bơ...của Việt Nam không những an toàn mà còn rất thơm ngon, dễ ăn, có những loại có bán quanh năm.
Tất nhiên, mình không mua hoa quả trái vụ, hoặc những loại có mẫu mã bắt mắt. Chuối mình thường nhờ mẹ chồng mua của những cô bác mang từ quê ra, chuối mới cắt còn xanh, và để chín tự nhiên; không mua chuối đã chín vàng đều màu sắc sáng đẹp ở chợ vì sợ có chất thúc chín. Bạn bè mình còn đặt mua hoa quả từ các website hoặc các diễn đàn vốn được nhiều bà mẹ tin dùng và có phản hồi tốt.
Với rau củ, mình cũng không mua rau trái mùa mà chỉ chọn những loại rau phổ biến, thường mua tại cửa hàng rau an toàn. Rau an toàn hiện nay rất phổ biến, và nhiều người quen gọi là rau sạch. Bản than mình nhiều khi cũng không tin tưởng vào mức độ “sạch” của rau an toàn vì không được tận mắt nhìn thấy quá trình trồng rau, và việc tiêu thụ rau an toàn hiện nay có nhiều sự nhập nhèm.
Cũng phải nói thêm rằng, rau an toàn là loại rau vẫn phun thuốc, vẫn có các loại phân bón nhưng tồn dư ở mức cho phép; khác với rau hữu cơ là loại rau sạch hóa chất hoàn toàn, có giá thành cao hơn hẳn.
Nếu muốn dùng rau sạch đúng nghĩa, mình chỉ mua rau hữu cơ. Tận dụng không gian, trên mái nhà, gia đình mình có trồng rau trong hộp xốp để đảm bảo có nguồn rau sạch cho con. Nhà mình thường mua rau giống, hoặc hạt giống rau chưa gieo về trồng. Rau hoàn toàn sạch và tươi ngon, tuy không phong phú chủng lọai được bằng ở chợ.
Khi bé Na ăn được thịt cá, mình cũng mua về chế biến cho con ăn nhưng vì bé còn nhỏ nên chỉ thích ăn các loại giò, xúc xích, nem lụi vì tương đối mềm, không bã. Mình tự tay làm giò cho con ăn vì sợ giò ngoài chợ có hàn the, nhưng thường bé không thích vì giò tự làm sẽ không dai giòn.
Lúc đó, mình đành chọn các sản phẩm trong siêu thị của Vissan, hoặc làng nghề Ước Lễ; với hi vọng là đảm bảo được độ “sạch” của thực phẩm. Với xúc xích, mình rất hạn chế cho con ăn vì đây là loại thực phẩm bắt buộc phải có các loại hóa chất trong chế biến. Nhà có lò nướng nên đôi khi mình cũng làm bánh mì, bánh ngọt cho cả nhà ăn. Các loại bánh Việt bé Na cũng thích ăn, mặc dù ăn được ít. Mình đã thử làm bánh bao và bánh giò, tuy không được ngon như ở hàng, nhưng đảm bảo sạch, không có hóa chất nên yên tâm cho bé Na ăn.
Trước đây, khi Na còn ăn cháo, mình thường tự nấu cháo cho con ăn chứ không mua cháo dinh dưỡng, vì mình chắc chắn rằng, cháo dinh dưỡng nấu theo kiểu công nghiệp sẽ rất nhiều bột ngọt và thịt cá cho vào sẽ không tươi ngon. Để nấu cháo, ngoài thịt, mình hay mua thêm tôm đồng, các loại ngao, trai, hến... nấu cháo cho bé vì những loại thực phẩm tự nhiên này hoàn toàn là do đánh bắt, không phải do nuôi công nghiệp.
Khi bé Na ăn được cơm, mình và mẹ chồng làm các loại ruốc như ruốc thịt, tôm, cá cho con ăn. Để đổi vị, mình cũng mua thêm các gói gia vị Nhật Bản dùng để trộn cơm cho bé. Mình không quá cầu kì trong việc mua sắm và chế biến thức ăn cho bé (vì theo mình biết, có nhiều mẹ còn kĩ lưỡng hơn rất nhiều trong việc nuôi con).
Mình cảm thấy yên tâm khi nấu ăn cho con vì mình có thể “kiểm soát” phần nào nguồn gốc của thực phẩm, và tỉnh táo trong việc lựa chọn, phân loại chúng. Cần tránh việc nghe theo quá nhiều luồng dư luận dẫn đến hoang mang và khi làm mẹ, mình dần có một bản năng, bản năng đó giúp mình có thể lựa chọn những thứ phù hợp và tốt nhất cho con mình.
Những chia sẻ nho nhỏ của một người mẹ còn nhiều bỡ ngỡ khi nuôi con nhỏ này hi vọng sẽ tìm được sự đồng cảm với nhiều bà mẹ khác.