1.926 tỷ đồng hỗ trợ huyện nghèoNgày 19.7, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) T.Ư đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện công tác an sinh xã hội và Nghị quyết (NQ) 30a của Chính phủ.Nghị quyết này được triển khai từ năm 2008 với mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo trên cả nước. Ngay sau khi triển khai, đã có 32 DN là những ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty T.Ư nhận “đỡ đầu” và cam kết hỗ trợ với số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Các hộ nông dân nghèo xã Vị Quang (Thông Nông, Cao Bằng) nhận bò hỗ trợ từ Chương trình 30a.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN T.Ư cho biết: “Phương châm hỗ trợ của các DN là mở rộng đối tượng hỗ trợ; ưu tiên cho các đối tượng khó khăn; mở rộng địa bàn đến các vùng sâu, vùng xa, đa dạng hóa hình thức hỗ trợ và tài trợ trực tiếp đến đối tượng…”. Chỉ riêng trong giai đoạn 2008 - 2012, Khối DN T.Ư đã tham gia hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội với trên 8.569 tỷ đồng.
Theo Đảng ủy Khối DN T.Ư, đến nay đã có 26 DN trong khối cam kết và hỗ trợ cho 54 huyện nghèo. Các DN cũng đã thực hiện hỗ trợ được trên 1.926 tỷ đồng (bằng 87% so với số vốn cam kết). Nhiều DN đã hỗ trợ trực tiếp vào sản xuất như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ 600 con trâu, bò; Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ 1.000 lò sấy thuốc lá, 50ha rừng; Tập đoàn Xăng dầu hỗ trợ 100 bò sinh sản; Tập đoàn Cao su hỗ trợ 600ha cao su…
Chia sẻ kinh nghiệm về hỗ trợ huyện nghèo, ông Nguyễn Trọng Chiến - Phó Bí thư Đảng ủy Agribank cho biết, đơn vị đã hỗ trợ trực tiếp cho 2 huyện nghèo là Mường Ẳng và Tủa Chùa (Điện Biên) với tổng số vốn 160 tỷ đồng. “Agribank đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng được 2.430 căn nhà cho người nghèo với mức đầu tư 15 triệu đồng/căn nhà, tổng chi phí gần 36,5 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng được 2 trạm y tế cho 2 huyện trên”- ông Chiến nói thêm.
Huyện nghèo tăng, DN thêm khó khăn Khi triển khai thực hiện Chương trình 30a, Chính phủ đã phân công hầu hết các DN mạnh của T.Ư nhận “đỡ đầu” cho các huyện nghèo. Song theo đánh giá, ngoài khối các ngân hàng thương mại tích cực tham gia chương trình này, hầu hết các DN còn lại đều chưa thực hiện được nhiều so với cam kết, thậm chí có DN gần như chưa triển khai hỗ trợ huyện nghèo. Điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới giải ngân hỗ trợ cho 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu được trên 107 tỷ đồng so với tổng số vốn cam kết gần 285 tỷ đồng; Tổng Công ty Lương thực Miền Nam mới thực hiện được hơn 14,5/39 tỷ đồng cam kết; Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam mới thực hiện 32/83 tỷ đồng cam kết…
"30a bây giờ đã trở thành một thương hiệu về giảm nghèo bền vững của Việt Nam, được Nhà nước và DN hết sức ưu tiên. Song, nhìn chung đến bây giơ, nguồn lực mới đáp ứng được 15 -20% so với nhu cầu. Vì thế, rất cần các DN thuộc Khối DN T.Ư tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ các huyện nghèo”. Ông Nguyễn Trọng Đàm
|
Ngoài nguyên nhân các DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do khủng hoảng kinh tế thì hiện đối tượng khó khăn nhận tài trợ rất đa dạng, trong khi nguồn quỹ tình nghĩa do cán bộ, người lao động của các DN đóng góp hàng năm không thể đáp ứng nhu cầu tài trợ. Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình 30a sau 5 năm, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận, hiện sự hỗ trợ của các DN với nhiều huyện còn rất ít. Thực tế, các DN không phải có nguồn lực giống nhau nên huyện nào được DN mạnh hỗ trợ thì thực hiện các chương trình tốt hơn.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, ngoài 62 huyện nghèo, Thủ tướng đã ký quyết định bổ sung thêm 30 huyện nữa có điều kiện kinh tế khó khăn được hưởng cơ chế như 30a nhưng cũng chưa được các DN hỗ trợ. Như vậy, đến nay vẫn còn 38 huyện nghèo chưa được DN hỗ trợ.