Dân Việt

Bác dạy chúng tôi lòng yêu nước

Minh Tâm 02/09/2013 06:21 GMT+7
Sáng 3.9.1945, bà từ ngoài bản về lao vào nhà, ôm chầm lấy ông và hét váng lên: “Ối ông ơi! Đất nước mình đã được độc lập rồi! Chú Lang Tín nhà mình đã làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi đấy ông ạ! Đây báo đây, ông hãy xem đi này!”...
Người kể cho tôi những dòng hồi ức ấy là đại tá – họa sĩ Bằng Lâm – cựu Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cơ duyên mà đại gia đình Bằng Lâm biết đến và trở nên thân thiết với Bác Hồ là lúc mà gia đình ông đang còn sống ở Nakhon Phanom, Thái Lan. Ấy là vào khoảng giữa năm 1929, Bác về Thái xây dựng cơ sở cách mạng, với biệt danh Thầu Chín.

Khu di tích Bác Hồ ở Nakhon Phanom.
Khu di tích Bác Hồ ở Nakhon Phanom.

1. Trong cuốn “Tiếng thơm còn mãi”, tác giả Trần Đình Riên viết: “Bác Hồ ở nhà cụ Nguyễn Bằng Cát và cụ bà Nguyễn Thị Lợi, là do Khu bộ Việt Nam Thanh Niên cách mạng bố trí. Bác ở một căn phòng khang trang trên tầng 2, nhưng Bác từ chối chỉ ở tầng trệt. Để hợp pháp hóa, Bác được thu xếp làm việc trong cửa hàng thuốc Bắc của cụ Hoe Lợi, cũng kê đơn bắt mạch và bốc thuốc với tên mới: Lang Tín. Mọi người trong gia đình gọi Bác bằng cái tên thân mật và kính trọng là “Chú Lang Tín”.

Nhà cụ Hoe Lợi là nơi Bác thường bàn công việc của tổ chức với các bậc tiền bối cách mạng như: Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên… Buổi tối, Bác thường dành thời gian kể chuyện về gương các anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Quang Trung… cho các con của cụ Hoe Lợi nghe. Bác nói về nhục mất nước và khuyên răn các cháu cố gắng học tập để mai sau chiến đấu cho độc lập tự do của đất nước. Bác khuyên các con cụ Hoe Lợi: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. “Có hiểu biết, có am tường lịch sử của nước nhà, thì mới biết yêu nước, thương nòi được”.

Chính những ngày ở trong nhà cụ Hoe Lợi, Bác đã xin gia chủ đặt tên cho 4 người con của cụ là Cách, Mệnh, Thành, Công. Cụ Hoe Lợi là nhà nho, làm nghề bốc thuốc cứu người nên cụ đặt tên cho con toàn là những vị thuốc quý: Nguyễn Bằng Sâm, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Bằng Quế, Nguyễn Bằng Phụ. Bác là nhà yêu nước đi làm cách mạng đòi độc lập tự do cho dân cho nước, nên Bác đặt tên: Cách, Mệnh, Thành, Công là thể hiện ý chí tin tưởng vào sự thành công của cách mạng (anh Sâm tên là Cách, chị Nhung tên Mệnh, anh Quế tên Thành, anh Phụ tên là Công). Sau này anh Quế và anh Phụ đã hy sinh, một ở chiến trường Lào, một ở chiến trường Campuchia.

Với tinh thần yêu nước cao cả của gia đình cụ Hoe Lợi và những cống hiến to lớn đó, năm 1960 gia đình cụ đã hồi hương về Hải Phòng và vinh dự được Bác Hồ đến thăm, chúc tết vào mùa xuân năm 1961. Lúc đó, cụ bà Hoe Lợi đã lúng túng sững sờ hồi lâu mới thốt lên được: “Chú Tín… Ôi Cụ Hồ, Cụ Hồ! Ối ông ơi! Các con ơi! Về mà xem chú Lang Tín chính là Cụ Hồ, đang đến thăm nhà mình đây này!”.

2. Đại tá Bằng Lâm kể: Ông tôi sinh năm 1875 trên mảnh đất Nghệ An nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Trong thời kỳ đất nước lâm nguy, chàng thanh niên nho học Nguyễn Bằng Cát đã tham gia phong trào Cần Vương, phong trào Việt Nam Quang Phục Hội… nhưng cuộc chiến đấu không cân sức nên phong trào đã đi đến thất bại. Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp những người yêu nước. Ông cùng với một số bạn bè phải trốn khỏi quê hương sang nương tựa tại đất nước láng giềng Thái Lan.

Khi chuẩn bị vượt biên giới giã từ Tổ quốc thân yêu, ông đã vác một tảng đá lớn ném xuống dòng Mekong đang chảy xiết mà thề rằng: “Không rửa được mối nhục này, quyết không trở lại quê hương”!

Tại Thái Lan, ông hoạt động trong Tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội và lập nghiệp bằng nghề lương y bốc thuốc cứu người. Ngoài một cửa hàng thuốc Bắc, ông còn lăn lộn vất vả với nhiều nghề khác như xây dựng, thầu khoán… dựng nên một cơ ngơi giàu có. Nhưng “lòng yêu nước luôn rực cháy trong tâm can, đã soi sáng con đường hai ông bà đã chọn đi suốt cuộc đời mình” (Báo QĐND số ngày 8.3.1960).

Giữa năm 1946, quân Pháp lại trở lại Đông Dương... Ông Bằng Cát đã động viên cả 3 người con trai Bằng Sâm, Bằng Quế, Bằng Phụ lên đường chiến đấu. Trước khi các con mình lên đường ra mặt trận, ông căn dặn: “Các con đi là nhớ đi thay cho cả phần cha và mẹ đã già”. Thương ông bà đã luống tuổi, đơn vị và đoàn thể muốn để một người ở lại hậu phương chăm lo cho ông bà lúc trái gió trở trời. Nhưng ông đã cảm khái nói: “Con có thương cha mẹ không? Thương cha mẹ thì phải thương nước chứ”.

Đại tá Bằng Lâm kể tiếp: Cha và các chú tôi ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc với sự cổ vũ nhiệt tình của ông bà và lòng yêu nước nồng nàn của tuổi trẻ đã được Bác thắp sáng trong thời gian Bác sống và hoạt động tại gia đình ông tôi. Ba người ra đi, chỉ duy nhất cha tôi trở về. Trước sự mất mát lớn lao đó, ông đã nén đau thương động viên bà tôi rằng: “Chúng nó đã chết vì dân vì nước, đó là cái chết vẻ vang, báo trung, báo hiếu, chỉ thương con chết giữa tuổi thanh xuân đầy hứa hẹn, không được sống để tận hưởng cái gia tài to lớn: Chúng nó có gia tài to lớn là Tổ quốc và cách mạng” (Báo QĐND 8.3.1960).

"Nếu không sinh ra trong một gia đình cách mạng, lại có mối thâm giao với Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế, thì hẳn tôi đã không phải là tôi ngày hôm nay!”.
Đại tá Bằng Lâm


Cụ Hoe Lợi lâm bệnh và qua đời ngày 23.7.1958. Kiều bào khắp các tỉnh đều cử đại biểu về dự đám đang ông. Gần 1 vạn kiều bào và nhân dân Thái Lan đã tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Trên phần mộ ông, đoàn thể đề tặng dòng chữ: “Sống yêu nước, chết vẻ vang”. Dân bản Phựng Mày tặng ông câu đối: “Tổ quốc ghi công người công dân chí khí/Việt kiều mến tiếc một phụ lão trung thành”! “Cuộc đời của ông nội tôi đã ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ con cháu của cụ ngay lúc còn sống và cả về sau này” - ông Bằng Lâm nói.

3. Từ ngày còn khoác áo lính, cách đây ngót 40 năm, do có tý “máu nghệ”, tôi rất chăm chỉ đọc Tạp chí Văn nghệ Quân đội và ở tờ văn nghệ nhà binh này, tôi đã gặp rất nhiều bức ảnh ấn tượng về biển đảo của Tổ quốc mà nhân vật trung tâm là lính hải quân, lính thủy. Những bức ảnh hoành tráng, kỳ vỹ khiến tôi mê mẩn ấy đã bồi đắp lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương cho cả một thế hệ quân nhân sau 1975 chúng tôi. Và lúc ấy tôi cũng không biết tác giả của những bức ảnh tuyệt vời ấy chính là người con trai cả sống sót từ mặt trận trở về của cụ Hoe Lợi – Nguyễn Bằng Cát – nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bằng Sâm (bút danh Băng Sâm).

Tôi cũng không ngờ, tác giả của những bức tranh nổi tiếng về biển đảo “Phong ba trên biển”, “Lính thủy và mặt trời”… chính là cháu đích tôn của cụ Hoe Lợi – đại tá, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm.