Phát huy lợi thếÔng Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết, huyện có 8 xã, 1 thị trấn, trong đó có 2 xã làm điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Phát triển kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện phải lồng ghép các dự án, chương trình để có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho người dân, đơn cử như dự án phát triển du lịch Tam Đảo, khu du lịch tâm linh Tây Thiên. Ông Hùng cho biết: Hai khu du lịch này đang làm thay đổi bộ mặt của Tam Đảo, bởi không chỉ mang lại cho huyện nguồn thu đáng kể từ các dịch vụ, thuế, mà còn góp phần xây dựng hạ tầng đường sá, trường học, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động...
Tất cả 8 xã của huyện Tam Đảo đều chưa đạt tiêu chí đường giao thông.
Tại Khu du lịch Tam Đảo, ngoài dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, huyện cũng đang tập trung phát triển cây su su và nuôi cá hồi, cá tầm để phục vụ nhu cầu khách du lịch. Hiện, toàn huyện có khoảng 300ha su su, riêng thị trấn Tam Đảo đã có gần 200ha, giá trị thu nhập đạt hơn 120 triệu đồng/ha/năm. Ngoài nguồn thu từ việc bán ngọn, quả, các vườn su su ở Tam Đảo đã hình thành dịch vụ tham quan, theo đó, du khách có thể trực tiếp vào vườn hái ngọn, quả, hoặc cùng nông dân tưới nước, bón phân cho su su... Đây là dịch vụ mới manh nha, nhưng hứa hẹn nhiều triển vọng, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Hùng cho biết: “Ngoài du lịch, Tam Đảo cũng xem việc trồng su su, bí ngô, các loại rau ôn đới... là thế mạnh. Do đó, chúng tôi đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất su su, rau sạch, trong tương lai đây sẽ là vựa cung cấp rau sạch cho các thành phố lớn”.
Xã điểm khó về đíchMặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm “kích cầu” xây dựng NTM, nhưng đến nay, hầu hết các xã ở Tam Đảo mới đạt 5 - 8/19 tiêu chí, 2 xã điểm là Hồ Sơn đạt 10 tiêu chí, Bồ Lý đạt 11 tiêu chí.
Ông Nguyễn Văn Hùng thông tin: Đến nay, huyện Tam Đảo đã huy động 84,651 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó T.Ư 300 triệu đồng; tỉnh 50,643 tỷ đồng; huyện 28,518 tỷ đồng; xã 4,130 tỷ đồng; người dân đóng góp 1,1 tỷ đồng, doanh nghiệp 50 triệu đồng. Mức huy động thấp nên huyện chủ yếu tập trung đầu tư cho 2 xã điểm.
|
Ông Triệu Ngọc Đĩnh - Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn cho biết, mặc dù là xã điểm, song Hồ Sơn cũng đang “tắc” ở các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, môi trường, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo... Đây đều là những tiêu chí khó, cần nhiều tiền, trong khi xã vẫn chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên. Xã đang đề nghị tỉnh cho sử dụng 2 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng để xây dựng các hạng mục NTM.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, sở dĩ các xã đạt ít tiêu chí là do xuất phát điểm thấp, nguồn lực yếu. Năm 2011, khi xây dựng NTM, đa số các xã mới đạt 3 - 4 tiêu chí, có xã chỉ đạt 1 - 2 tiêu chí. “Chúng tôi đang tập trung đầu tư vốn vào 2 xã điểm, phấn đấu cuối năm 2013 đạt 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, việc huy động vốn cũng như mở rộng quỹ đất để xây dựng các công trình như trường học, nhà văn hóa, bãi rác... còn rất nan giải, khiến mục tiêu trên khó đạt được” - ông Hùng cho hay.