Dân Việt

Nghịch lý...

Nguyễn Quang A 07/09/2013 20:54 GMT+7
Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội cùng Bộ NNPTNT và Hội Nông dân Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn.”
Nhiều mô hình đã được thử nghiệm hay được triển khai và rút kinh nghiệm như cánh đồng mẫu lớn, đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết nối “4 nhà,” hợp tác xã kiểu mới, công ty cổ phần nông nghiệp với sự góp vốn của nông dân... Đấy là những việc nên làm và nên khuyến khích. Tuy vậy, dưới đây không bàn về các mô hình ấy mà chỉ nêu vài sự hiểu lầm mà nhiều người, nhất là giới truyền thông, thường gọi là “nghịch lý.”

Có báo nói về nghịch lý “tăng về khối lượng nhưng giảm về giá trị” và rất nhiều báo than về nghịch lý “trúng mùa rớt giá”. Ngẫm một chút thấy cái gọi là nghịch lý khối lượng với giá trị hoặc trúng mùa với rớt giá hoặc chẳng có gì nghịch lý cả hoặc thậm chí còn “hợp lý” nữa. Giá trị không tỷ lệ thuận với chất lượng. Nếu coi giá trị bằng khối lượng nhân với giá, thì giá trị tăng nếu giá không giảm hoặc giảm chậm hơn mức tăng khối lượng. Và giá các mặt hàng nông sản biến động khôn lường và như thế khối lượng có thể tăng mà giá trị giảm là chuyện bình thường. Khi trúng mùa khối lượng của mặt hàng nào đó, thí dụ gạo chẳng hạn, tăng cao. Nếu khối lượng đó vượt quá cầu, thì giá nhất thiết phải giảm. Trúng mùa cục bộ chưa chắc giá đã rớt, nhưng trúng mùa diện rộng chắc chắn dẫn đến rớt giá. Đấy là điều có thể dự đoán được chứ chẳng có gì nghịch lý cả. Như thế trúng mùa cũng có thể là một rủi ro! Và giá rớt có thể dẫn đến thu nhập của nông dân giảm, bất chấp nỗ lực sản xuất nhiều thêm. Có lẽ cái nghịch lý là ở chỗ người ta coi cái hợp quy luật là nghịch lý và/hoặc để né tránh các vấn đề khác.

Vấn đề khác ở đây là làm sao cho người nông dân sản xuất có hiệu quả, giảm thiểu được rủi ro (thời tiết, mất mùa, được mùa, sâu bệnh…) và giàu lên. Đấy là vấn đề cốt lõi cần bàn chứ không phải nêu ra những nghịch lý như nêu trên. Có 2 loại việc quan trọng mà chính quyền cũng như báo giới có thể làm.

Thứ nhất, nâng cao hiểu biết của nông dân (không chỉ về nông nghiệp mà thí dụ kiến thức sơ đẳng về kinh tế, rủi ro, cách quyết định...), giúp họ tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, có các chính sách phù hợp để thúc đẩy sự hợp tác giữa họ với nhau, giữa họ với các doanh nghiệp, khuyến khích họ tự chủ, nêu ra và thực hiện các sáng kiến của họ... chứ không phải bảo họ phải làm thế này hay thế kia.

Thứ hai, thảo luận, tổng kết các sáng kiến, mô hình và cung cấp thông tin để khuyến khích họ học hỏi làm theo hay cải tiến các mô hình có hiệu quả, là việc tiếp theo, như hội thảo vừa nêu tại Cần Thơ.

Cả hai loại việc trên phải được làm liên tục và không thể kêu “đã nói quá nhiều”. Nói sao cho có hiệu quả là chuyện khác, nhưng không thể có chuyện nói quá nhiều về nông dân và nông thôn.