Dưới một mái nhàTất cả thợ làng nghề Triều Khúc hiện tập hợp làm việc cho HTX Công nghiệp dệt Triều Khúc (thuộc Liên minh Hợp tác xã Hà Nội). Người có công tập hợp thợ làng để cùng làm ăn là ông Nguyễn Hữu Quy – Chủ nhiệm HTX. Ông Quy cho biết, trước kia, HTX sản xuất chủ yếu là nghề dệt thao, dệt nhuộm, làm chân chỉ, tua bóng, tua cờ, y môn – những vật thờ và trang trí treo trong những ngày lễ tết. Rồi đến những mặt hàng thiết yếu như khăn mặt, khăn bông, khăn quàng cho xuất khẩu. Nhưng mãi đến năm 1998, HTX mới khởi sắc với những đơn đặt hàng dài hạn của các đơn vị quân đội.
Ông Nguyễn Hữu Quy đang hướng dẫn xã viên HTX xe sợi.
Khó khăn khi ấy là vốn sản xuất không có, ông cùng các xã viên tận dụng những khoảng đất trống để xây nhà trọ cho thuê. Tiếp đến, ông cho chỉnh trang nhà sản xuất để tạo sự tin cậy cho bạn hàng; rồi ông đến các đơn vị có sử dụng mặt hàng thêu, dệt xin được hợp tác… Ông Quy kể: “Vào thời điểm trước năm 1998, nghề dệt xuống dốc bởi vải công nghiệp vừa nhiều vừa rẻ. Vì đam mê nên tôi đã vận động cùng một số anh em quyết tâm thành lập tổ hợp sản xuất với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông và tạo sự khác biệt so với vải dệt công nghiệp”.
Người cầm lái xuất sắcYếu tố then chốt để HTX trụ vững là đã đào tạo được đội ngũ lao động lành nghề, tâm huyết với nghề. HTX hiện có 1.200m2 diện tích nhà xưởng và 133 xã viên. Sản phẩm của HTX có tính cạnh tranh cao. Trong đó ấn tượng nhất là thợ làng dệt được loại băng đai chịu lực của máy bay phản lực thay thế toàn bộ cho các mặt hàng vốn được nhập về từ Nga, giúp tiết kiệm được một khoản chi phí nhập khẩu khá lớn cho nước nhà.
Trưởng thôn Triều Khúc- ông Nguyễn Huy Thắng cho biết: “Bên cạnh sự động viên HTX cũng như các hộ gia đình còn đang theo nghề, chính quyền địa phương cũng đang hoàn thành việc cấp đất cho HTX Dệt công nghiệp Triều Khúc ra trung tâm làng nghề, tiến tới phát triển du lịch làng nghề”.
|
Đến nay, HTX sản xuất các sản phẩm đặc thù- túi đựng tiền cho ngành ngân hàng, băng phù hiệu cấp hiệu, băng dải huân huy chương, dây chiến thắng, dây mũ kêpi... phục vụ cho công an, quân đội, sản xuất theo đơn đặt hàng là chủ yếu. Chị Trần Thị Vinh (thôn Tân Triều), một người làm lâu năm ở đây cho biết: “Sản phẩm dệt làm ra mất rất nhiều công đoạn- từ sợi khi nhập về phải nhuộm để có màu sắc, xe sợi, cho vào guồng, dệt lại thành sợi… các sản phẩm phần lớn là được làm thủ công, nên đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo và cẩn thận mới có thể làm được. Vì vậy, ngay từ khi học nghề, chúng tôi đã phải học rất bài bản, làm nghề nghiêm túc”.
Doanh thu của HTX hiện đạt 3 tỷ đồng/năm, thu nhập của xã viên không ngừng tăng. Có được những thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của người cầm lái con thuyền HTX – Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Quy.