Đó là nghi ngại của cán bộ y tế 18 tỉnh phía Bắc khi góp ý dự thảo Quyết định hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo cư trú tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh con đúng chính sách dân số của Thủ tướng Chính phủ mà Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến ngày 2.10.
Ít người được thụ hưởngTheo tính toán của Bộ Y tế, hiện có 9,6% dân số là người DTTS, trong đó hộ nghèo ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn (vùng 2 và 3 theo Quyết định 30 của Chính phủ) khoảng hơn 1,2 triệu hộ. Nếu tính mỗi hộ có 1 phụ nữ thì số người thụ hưởng chính sách cũng khoảng hơn 1,2 triệu người. Tuy nhiên, điều này vấp phải phản đối của nhiều đại biểu. “Phụ nữ DTTS thường đẻ 4-5 con, vượt quá chính sách dân số (mỗi phụ nữ DTTS sinh không quá 3 con). Vì vậy, đối tượng để thụ hưởng chính sách này là không nhiều” – bà Đào Vi Phương – Phó ban Gia đình xã hội (Hội LHPN Việt Nam) cho biết.
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số sinh nở tại nhà.
Còn theo bà Vi Thị Hoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, chính sách này vô cùng ưu việt nhưng hầu như chẳng có tác động nào đối với tỉnh. “Mục tiêu của chính sách mới nhằm hạ tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số cho người dân tộc nghèo. Điên Biên cũng là một địa bàn trong tỉnh có số tử vong mẹ rất cao 249/100.000 trẻ đẻ sống. Tuy nhiên, người dân tộc thường “vỡ kế hoạch”, sinh 6-7 đứa con. Do đó đều không nằm trong đối tượng được thụ hưởng chính sách” bà Hoa phân tích. Ngoài ra, nếu dự thảo xây dựng hỗ trợ tiền khám thai, tiền sinh cho chị em đẻ “đúng chính sách”, nhưng sau đó họ tiếp tục đẻ thêm thì hóa ra cũng “đánh bùn sang ao”.
Quá tải cho cán bộ y tế Theo bà Mai, điều khó nhất chính là việc quản lý việc chi tiêu ngân sách ở trạm y tế xã, không có kế toán, thủ quỹ, việc thất thoát rất có thể xảy ra. “Nếu nhân viên y tế ôm đồm cả việc trả tiền thì thất thoát rất có thể xảy ra, đó chưa kể đến việc gian lận người dân không đến khám mà nhân viên vẫn giả hồ sơ để “rút ruột”.
Ông Nguyễn Bá Tân – Giám đốc Trung tâm Sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An thì lo ngại, khi ngân sách về xã thì xã thường chi cho các việc quan trọng trước, “giao ngân sách cho xã sẽ có nguy cơ con đi học vỡ lòng chưa chắc chị em đã được hỗ trợ tiền sinh đẻ” – ông Tân cho biết.
“Cần đưa ra chính sách để cho người dân theo, cán bộ thực hiện. 1 cán bộ y tế có mười mấy chương trình y tế phải quản lý, theo dõi, đừng chơi khó thêm” – bà Đàm Thị Liên – Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai tha thiết đề nghị.
Tuy nhiên, khi bà Vũ Thị Minh Hạnh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) trả lời các nghi ngại trên thì lo ngại lại càng thổi bùng. Theo bà Hạnh: “Việc làm sai là do từng cá nhân chịu trách nhiệm, không thể “quy” cho chính sách”. Đồng thời, để “đo” km thực tế khi đi khám chữa bệnh, thì địa chính xã phải vào cuộc, người dân muốn được hỗ trợ thì phải lấy chứng nhận có dấu đỏ của xã”. Nhiều cán bộ y tế cho rằng, “lôi” được địa chính xã và đợi người dân lấy được dấu đỏ xác nhận của xã, e rằng nhiều phụ nữ dân tộc sẽ... bỏ hỗ trợ vì quá nhiều thủ tục.