Dân Việt

Thái Bình bỏ "Quỹ Bảo trợ trẻ em": Một số người buồn, dân phấn khởi

Giang Sơn 14/09/2013 09:17 GMT+7
"Quỹ Bảo trợ trẻ em" của tỉnh Thái Bình có từ năm 1993 đến năm 2013 được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bãi bỏ sau khi có kết luận của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Quyết định được ban hành, huyện, xã thực thi nghiêm, lòng dân phấn khởi; nhưng không phải cứ cái đúng nào cũng "xuôi chèo mát mái", bởi vẫn còn một số người do dự, phàn nàn vì mất đi một quỹ mà ở đó tập thể có lợi ích, cá nhân có lợi ích. Vì sao?

img

Quyết định về quy định nộp, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em của tỉnh Thái Bình năm 1995.


Vì suốt hơn 20 năm qua, "Quỹ Bảo trợ trẻ em" được bổ trên đầu sào, mỗi sào 2kg thóc/năm, thóc được tính bằng tiền, thu một lần vào vụ chiêm xuân cho tiện. Nhờ vào "quỹ" ấy, hoạt động của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cấp huyện, tỉnh hoạt động "nhàn tênh": Cứ việc lấy ra xây nhà thiếu nhi, mua trống, kèn, cờ… cho các câu lạc bộ thiếu niên có hoạt động. Quỹ được chi phần nhiều cho thành phố, thị xã, thị trấn, vì nơi ấy là bộ mặt thiếu niên của tỉnh, của huyện. Cấp trên về còn có chỗ tham quan, để tận mắt trông thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy. Vì thế, có không ít cán bộ đoàn thanh niên của tỉnh Thái bình đã "phất lên" nhờ "Quỹ Bảo trợ trẻ em".

Chỉ khổ cho người dân Thái Bình, đất 2 lúa thời gian giao ổn định 20 năm, được 400m2/khẩu, năng suất khoảng 2,2 tạ/sào/vụ. Đất và người phải gồng mình lên đóng góp từ thuỷ lợi, giao thông, trường học đến nhà văn hoá, ngõ thôn…, thế thì còn đâu ra mà tích luỹ, mà tái sản xuất mở rộng, mà đầu tư, phát triển. Hạt thóc là vậy, đất ruộng còn bị đào bới tả tơi để làm gạch xây nhà, xây sân, xây tường bao, xây cả bờ ao… xây xong rồi ngồi "thở". Có người chẳng kịp thở đã sớm cùng … "cánh hạc vân du".

"Trẻ em như búp trên cành", là "tương lai của đất nước". Chăm sóc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của toàn xã hội. Việc xã hội hoá đúng nhất, chuẩn nhất đối với chăm sóc trẻ thơ là đoàn thanh niên, phụ nữ, Hội Nông dân, cựu chiến binh… cần phối hợp vận động thành một phong trào, để sao có được: Người có nhiều thì góp nhiều, người có ít thì góp ít, người không có của thì góp công. Tiền ít thì mua đồ chơi tặng bé, có nhiều thì xây nhà trẻ mẫu giáo, làm khuyến học, khuyến tài năng, khuyến trẻ em nghèo vượt khó học giỏi. Và tất cả các em đều được hưởng Tết Trung thu - rằm tháng Tám thật vui vẻ, đoàn kết, an lành trong tình thương và trách nhiệm của xã hội.

Quỹ là tự tâm, tự nguyện, là cuộc vận động sâu rộng tới mỗi người, mỗi nhà. Để rồi, thông qua những ngày giờ đi vận động ấy, người cán bộ, hội viên thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh có dịp gần dân, nghe dân, hiểu dân, thuyết phục dân… tạo nên một phong cách, những kỹ năng làm công tác dân vận. Thái Bình đang làm việc đó, tuy còn chậm so với nhịp thời gian và xã hội, nhưng rất đáng hoan nghênh, trân trọng!