Dân Việt

Phụ huynh quyết việc thu - chi: Không có lý do để trường đối đầu

Tùng Anh (thực hiện) 26/09/2013 07:09 GMT+7
Đề án xây dựng Hội đồng giám sát trường học của Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đang được kỳ vọng là một “liều thuốc mạnh” chống lạm thu (NTNN số 230).
Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi: Làm thế nào để lãnh đạo các trường chào đón sự ra đời của một tổ chức chuyên làm công việc soi mói các hoạt động thu – chi của họ.

Xung quanh vấn đề này, ngày 25.9, phóng viên NTNN có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chủ nhiệm đề án.

Hội đồng giám sát trường học có khác gì với Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội phụ huynh hiện nay, thưa ông?

Hoạt động của Hội đồng giám sát sẽ giúp hạn chế tình trạng lạm thu.
Hoạt động của Hội đồng giám sát sẽ giúp hạn chế tình trạng lạm thu.

- Về cơ cấu thành phần thì hiện nay Ban đại diện cha mẹ học sinh là tổ chức chịu sự quản lý của nhà trường, nên tiếng nói mang tính phiến diện và bị yếu thế, còn Hội đồng này ngoài nhân tố là các phụ huynh còn có những người đại diện cho các tầng lớp nhân dân ở địa phương, trong đó có hội phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, hội khuyến học…. Do đó họ không có dính dáng gì đến trường cả.

Riêng những phụ huynh tham gia Hội đồng giám sát cũng được lựa chọn theo tiêu chí khác với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Họ phải là những người có tâm huyết và sẵn sàng đứng về phía phụ huynh vì quyền lợi con em họ chứ không phải đứng về phía nhà trường.

Về hoạt động, quy chế của Hội đồng giám sát là được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thu chi các khoản ngoài ngân sách của trường học. Hội đồng được quyền cùng bàn bạc với Ban giám hiệu trường học, Hội phụ huynh về các khoản cần đóng góp; mức đóng góp từng khoản; việc chi bổ sung cho các hoạt động của trường… Sau khi thống nhất, Hội đồng được quyền giám sát thực hiện thoả thuận của nhà trường.

Nếu Hội đồng giám sát chỉ làm trên tinh thần tự nguyện, tự giác thì liệu có hiệu quả đến cùng hay không?

- Để đạt được hiệu quả, trong quy chế hoạt động của Hội đồng giám sát còn có việc quy trách nhiệm. Ngoài trách nhiệm làm minh bạch các khoản thu chi, giải thích các thắc mắc về thu chi của nhà trường cho phụ huynh, Hội đồng còn phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý Nhà nước khi xảy ra tình trạng lạm thu ở chính trường mà Hội đồng giám sát này hoạt động.

Về hình thức thì đây vẫn bị coi là một tổ chức đối đầu với nhà trường, vậy nhà trường được gì khi tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động, giám sát thu chi, thưa ông?

- Nếu trường hoạt động một cách minh bạch, tất cả vì giáo dục, muốn nâng cao uy tín của trường đối với phụ huynh và toàn xã hội thì không bao giờ từ chối sự tồn tại của một tổ chức “làm đẹp” hình ảnh của mình như Hội đồng giám sát trường học. Hơn nữa, tổ chức này sẽ tiếp sức cho trường trong việc huy động các nguồn lực xã hội hoá làm nâng cao chất lượng giáo dục của mình. Ví dụ muốn xây dựng các công trình công cộng phục vụ cho trường thì tổ chức này cũng sẽ cùng trường đứng ra xin tài trợ. Khi có tiếng nói của hội này, chắc chắn sẽ có được lòng tin của các Mạnh Thường Quân.

Ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết: “Đây là một mô hình đáng được ủng hộ, vấn đề là phải làm rõ cơ chế hoạt động của hội đồng tránh tình trạng chồng chéo và sai mục đích gây mất ổn định các hoạt động trường học. Sở sẽ tạo mọi điều kiện giúp đề án hoàn thành chương trình thí điểm. Nếu đề án thành công và tạo được sự đồng thuận giữa nhà trường và xã hội thì đây sẽ là một hướng đi cho việc chống lạm thu trong trường học.

Hiện nay giám sát thu chi trong trường học đã có Hội đồng nhân dân, ngành giáo dục mà lạm thu vẫn tồn tại. Vậy Hội đồng này hoạt động thế nào để tránh chồng chéo?

- Hội đồng này chủ yếu bàn bạc, giám sát ở “gốc”- tức là khi các trường, phụ huynh tổ chức thu để chi một khoản nào đó, và khoản đó cần được bàn rõ ràng để tránh mâu thuẫn.

Mong muốn của đề án sau khi làm tường minh các quy chế hoạt động sẽ được các cấp chính quyền địa phương phê duyệt có mặt trong các: “Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, “Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng” của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ GDĐT đồng ý đưa vào quy chế hoạt động có tính chất bắt buộc.

Chỉ có như vậy thì mới đạt được hiệu quả thật mà không phải hô hào sáo rỗng.

Xin cảm ơn ông!

Nếu bạn là phụ huynh, bạn sẽ xử sự như thế nào đối với quỹ trường, quỹ lớp?

img img
img