Dân Việt

Vạch mặt kẻ giả danh công an lừa tình-tiền hàng loạt phụ nữ

Minh Đức (Dòng Đời) 27/10/2013 06:18 GMT+7
Bằng thủ đoạn làm quen với phụ nữ qua mạng internet, gã thanh niên dùng nhiều tên giả, "nổ" làm ở cục này, công tác ở tổng cục kia của Bộ Công an để lừa tình lẫn tiền của hàng loạt người.
Cuối cùng hành vi của gã bị vạch trần, từ đó hé lộ nhiều thủ đoạn tinh vi của gã công an dỏm này.

Sa lưới ở Sài Gòn

Đối tượng được đề cập nói trên là Trần Quốc Thái (SN 1992, ngụ ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Hắn còn có nhiều tên giả khác là Bạch Văn Công, Phạm Trịnh Hoài Ân… giả danh là cán bộ công an đang công tác tại Bộ Công an (cơ quan thường trực phía Nam) để lừa đảo tình và tiền của hàng loạt phụ nữ ở nhiều tỉnh thành khác nhau ở phía Nam: TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đắk Lắk... Đến nay, cơ quan công an vẫn đang mở rộng điều tra về các vụ án mà Thái gây ra, theo ước tính lên đến hàng chục vụ.
Chân dung thật của Trần Quốc Thái
Chân dung thật của Trần Quốc Thái

Theo thông tin ban đầu, trong giai đoạn giữa năm 2013, cơ quan công an ở 1 số quận, huyện thuộc TP.HCM và Bộ Công an (phía Nam) nhận được thông tin tố giác tội phạm của một số phụ nữ trẻ về 1 đối tượng nghi vấn là giả danh cán bộ công an đang làm việc ở Bộ Công an (phía Nam) nhằm lừa đảo tiền của họ. Tất nhiên những nạn nhân này ngại trình báo về việc bị "lừa tình".

Những thông tin sơ bộ ban đầu của các phụ nữ đến tố giác cho biết, kẻ nghi vấn giả công an lừa đảo có tên là Phạm Trịnh Hoài Ân. Trước thông tin này, Bộ Công an đã vào cuộc xác minh làm rõ; đồng thời xác định đối tượng hay "săn mồi" trên mạng internet nên chuyển giao cho Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) lần theo tung tích của đối tượng.

Một nạn nhân mới nhất và cũng là nạn nhân đã đưa gã công an dỏm này vào tròng, chính là chị N.T.N.D. (SN 1985, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM). Chị D. tường trình, cuối tháng 7.2013 chị lên mạng, có nickname Pham.an49@gmail.com vào chát làm quen. Người này tự giới thiệu là Phạm Trịnh Hoài Ân, là đại úy công an đang công tác tại Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an (phía Nam) có trụ sở đóng trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, có nhà riêng ở khu biệt thự tại quận 7.

Ân còn cho chị D. số điện thoại và Facebook để kết bạn lâu dài. Qua Facebook, chị D. thấy Ân có đăng tải hình ảnh đang mặc sắc phục công an. Chát qua lại trong vòng 3 ngày, đến sáng 24.7 Ân gọi điện thông báo sẽ xuống nhà chị D. chơi để biết nhà và chị này đồng ý. Giữa trưa, Ân xuất hiện tại nhà chị D. nhưng đi bộ. Chị D. hỏi thì hắn gãi đầu, gãi tai nói xe hư, vừa mang sửa ở gara. Ở chơi, cơm nước xong, đầu giờ chiều Ân rủ chị D. về nhà của hắn ở quận 7 chơi.

Do Ân không đi xe nên chị D. lấy xe gắn máy của mình để Ân chở đi. Dọc đường, Ân đưa chị D. vào 1 quán nước ở đường Út Tịch, quận Tân Bình tâm sự. Rời quán nước, Ân nói với chị D. để quên chìa khóa nhà ở đơn vị nên phải đến đó lấy. Sau đó Ân chở chị D. đến trước tiệm thuốc tây nằm trên đường Nguyễn Trãi, phường 3, quận 5 để chị này mua thuốc, còn Ân mượn xe gắn máy để chạy qua đơn vị cách đó 1 đoạn không xa để lấy chìa khóa nhà.

Đợi 30 phút không thấy Ân quay lại, chị D. gọi điện thoại thì Ân nói rằng vừa lấy chìa khóa xong, đang ra cổng đơn vị. Chờ thêm vài chục phút nữa không thấy Ân đến, chị D. sốt ruột gọi tiếp thì máy của Ân đã nằm ngoài vùng phủ sóng. Biết bị lừa, chị D. đến Công an phường 3, quận 5 trình báo và cung cấp 1 số hình ảnh về nhân dạng mà chị thu thập được từ trang Facebook của hắn. Vụ việc được Công an phường 3 và Công an quận 5 vào cuộc xác minh, điều tra nhưng tung tích của gã công an tên Ân vẫn không có manh mối.

Nửa tháng sau, chị D. đến Công an quận 5 báo, sau khi bị lừa, chị lướt net tìm hiểu thì biết Ân có quen 1 cô gái tên T. ở quận 12. Sau vài ngày bị lừa, chị D. phục kích ở nhà cô gái trên, quả nhiên Ân xuất hiện và bị chị D. làm khó nên buộc phải trả lại chiếc xe gắn máy; tuy nhiên 1 số tài sản khác của chị D. để trong cốp xe trước đó thì Ân vẫn còn giữ.

Cùng thời gian này, C50 điều tra và lần ra tung tích của kẻ xưng danh là cán bộ của Bộ Công an lừa đảo nhiều cô gái, đối tượng này đang ở huyện Hóc Môn. Kết hợp cùng với vụ việc của chị D., C50 phối hợp cùng Công an quận 5, Công an phường 3 (quận 5) quyết tâm lật mặt nạ tên siêu lừa này.

Từ thông tin theo dõi, lực lượng công an bất ngờ ập vào kiểm tra hành chính căn nhà bạn gái của Ân ở quận 12. Tại đây công an đã bắt giữ gã thanh niên có nhân dạng giống như người giả công an kinh tế của Bộ Công an để lừa chị D.. Đáng nói, lúc bị bắt hắn vẫn còn vận quần, giày và vớ của lực lượng công an. Từ đây chân dung của 1 siêu lừa bị lật tẩy.

Lật mặt tên siêu lừa tình-tiền

Theo 1 điều tra viên của Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an quận 5, TP.HCM, khi bị bắt giữ, đối tượng có tên Phạm Trịnh Hoài Ân khai báo rất thành khẩn. Hắn khai rằng, cái tên Ân là tên giả, thực chất tên thật là Bạch Văn Công (SN 1986, ngụ ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn).
Hình ảnh giả đại úy công an mà Trần Quốc Thái dùng để lừa đảo khắp nơi
Hình ảnh giả đại úy công an mà Trần Quốc Thái dùng để lừa đảo khắp nơi

Xác minh nhanh về lý lịch, Bạch Văn Công có lẽ cũng chỉ là tên giả. Lúc này các điều tra viên tập trung đấu tranh, cuối cùng biết khó che giấu tung tích, gã công an dỏm xin cán bộ điều tra được khai đầy đủ ra giấy, từ đó cái tên Trần Quốc Thái, 21 tuổi và lý lịch của gã công an dỏm mới bị vạch trần.

Trần Quốc Thái khai do thất nghiệp nên hắn nghĩ ra chiêu thức lừa đảo. Thường lê la trên mạng internet nên hắn biết trên thế giới ảo có nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin. Để phục vụ cho ý đồ, Thái nhờ 1 người bạn đang học ở Đại học Nông lâm TP.HCM dùng kỹ thuật xử lý ảnh cắt ghép ảnh Thái đang mặc sắc phục công an, quân hàm đại úy ngồi trong phòng làm việc rồi dùng những tấm ảnh này gửi cho các nạn nhân khi trò chuyện qua mạng hoặc đăng trên Facebook để tạo lòng tin. Còn chiếc quần, giày, vớ… của lực lượng công an, Thái khai được 1 cán bộ công an ở 1 xã thuộc huyện Hóc Môn, vốn quen biết tặng cho hắn. Thái khai trước khi lừa chị D. hắn đã thực hiện trót lọt 3 vụ - lừa 3 cô gái ở TP.HCM, Long An và Bình Dương chiếm đoạt 3 xe gắn máy, 3 ĐTDĐ và 130 triệu đồng, tất cả đều bằng 1 thủ đoạn.

Điển hình trong số đó là vụ Thái nhắm vào nạn nhân L.T.T. (SN 1988 giảng viên thanh nhạc của 1 trường đại học ở Bình Dương, nhưng hành vi lừa đảo lại diễn ra tại Đắk Lắk nên mới đây Thái bị Công an Ea H’leo khởi tố bị can cũng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”). Cũng quen qua mạng internet, Thái (lúc này dùng tên giả là Ân) “nổ” đang làm ở Tổng cục III, Bộ Công an (phía Nam) và sau 1 thời gian ngắn tán tỉnh thì chị T. xiêu lòng.

Cuối tháng 5.2013 nhân dịp gia đình có giỗ, chị T. mời Thái về nhà để giới thiệu với gia đình về ý trung nhân tương lai. Tại nhà chị T., Thái “nổ” quen biết với cán bộ cấp cao này, quan chức nọ làm cho người thân chị T. không khỏi tự hào vì có chàng rể phú quý, danh vọng…

Một ngày sau, Thái chở chị T. đi sang TX.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông chơi, hắn nói có người bạn ở Công an tỉnh Đắk Nông nhờ cài đặt chương trình phòng chống tội phạm nên mượn của chị T. chiếc máy tính xách tay rồi mang ra tiệm ở địa phương bán được gần 2,5 triệu đồng.

Chở chị T. về nhà, Thái viện lý do là chưa cài đặt xong phải gửi máy tính ở cơ quan của bạn, chị T. và gia đình không nghi ngờ gì. Trong thời gian ngắn lưu lại quê chị T., Thái tiếp xúc với nhiều người, “nổ tanh bành” để rồi lừa lấy 48 triệu đồng của 2 người dân ở địa phương thông qua chiêu thức chạy việc làm ở cơ quan nhà nước. Trở về nhà chị T., Thái lại vui vẻ, mượn xe gắn máy tay ga đắt tiền của người anh rể chị T. với lý do đi thăm bạn nhưng từ đó, Thái 1 đi không trở lại. Gia đình chị T. trình báo cơ quan công an và khi vụ việc đang được điều tra thì Công an Ea H’leo hay tin Thái đã sa lưới ở Sài Gòn.

Đến nay công an xác định có khoảng mười người là nạn nhân bị gã công an dỏm Trần Quốc Thái lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng chiêu thức như đề cập ở trên. Thế nhưng cơ quan công an nhận định rằng, có thể nạn nhân của Thái còn nhiều hơn nữa và ở nhiều tỉnh thành khác. Vụ án đang được mở rộng điều tra làm rõ.