Dân Việt

Tìm đúng nguyên nhân để vá lỗ hổng

Lê An 24/07/2013 06:41 GMT+7
Ngày 28.7 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là Ngày thế giới phòng, chống bệnh viêm gan virus, trong đó WHO quan tâm nhiều tới khu vực châu Á, đặc biệt là VN vì tỷ lệ có virus viêm gan rất cao.
Thế nhưng, trước ngày này, thông tin rất buồn là có tới 4 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccin viêm gan B (phòng bệnh viêm gan virus B). Gần 1 tuần sau những cái chết thương tâm, Bộ Y tế vẫn kết luận khá chung chung về nguyên nhân gây tử vong. Vì sự mơ hồ này khiến hàng vạn bà mẹ ngại ngần không dám cho con tiêm vaccin phòng bệnh.

Nói về bệnh gan, theo số liệu của Hội Gan mật Việt Nam, cả nước có khoảng 20% số người nhiễm virus viêm gan, trong số đó tỷ lệ phát bệnh khá cao, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 bệnh nhân chết vì viêm gan và ung thư gan. Mỗi người bệnh viêm gan virus B phải chi cho điều trị từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, còn điều trị viêm gan virus C trung bình mỗi bệnh nhân phải chi khoảng 60-200 triệu đồng/năm.

Như vậy, trong một năm, tính riêng chuyện tiền bạc, chi phí điều trị bệnh từ 2 loại virus viêm gan đó tại Việt Nam đã lên tới 660.000 tỷ đồng. Ngoài số tiền khổng lồ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người bệnh cũng giảm sút. Vì thế WHO luôn khuyến khích điều trị dự phòng viêm gan virus, tiêm phòng là một hình thức điều trị dự phòng hữu hiệu.

Các chuyên gia bệnh gan đã có đề nghị Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sản xuất vaccin phòng viêm gan virus B và sản xuất huyết thanh kháng HBV để điều trị cho những người mắc bệnh có chỉ định. Mở rộng tiêm chủng vaccin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh, trừ trường hợp không có chỉ định.

Việc 4 trẻ sơ sinh tử vong, Bộ Y tế chỉ xác định do “sốc phản vệ” - một kết luận có thể nói ngay khi xử lý tình huống mà không có những kết luận nguyên nhân cụ thể hơn mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra như: Chất lượng vaccin, chất lượng dịch vụ tiêm chủng, vấn đề bảo quản vaccin…

Chỉ có tìm đúng nguyên nhân mới có thể khắc phục được “lỗ hổng” trong tiêm chủng, mới tạo được niềm tin cho các bà mẹ, và việc tiêm vaccin mới được thực hiện tốt. Nếu không, với một lớp trẻ chưa được tiêm vaccin viêm gan virus, trong tương lai, gánh nặng bệnh tật, chi phí điều trị lại đổ hết lên đầu người dân, trong sự bất lực của Bộ Y tế khi kiểm soát viêm gan virus.