Bệnh cũ chưa xong, bệnh mới đã tới. Cuộc trường chinh chống virus, vi khuẩn sẽ kéo dài cùng lịch sử loài người, chưa thấy ngày kết thúc.
Vậy mà không ít dân ta, con Rồng cháu Tiên vẫn chén tì tì tiết canh! Vẫn lấy câu “chết kèn trống, sống miếng dồi chó” biện bạch cho sở thích. Cái “lý tưởng” và sở thích ăn uống này không chỉ của mấy ông già hay đứng tuổi, mà của cả lớp thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước. Cứ xem hệ thống hàng quán nhậu nhẹt, bia hơi, rượu đế tràn ngập vỉa hè Sài Gòn và Hà Nội thâu đêm suốt sáng, đủ thấy chúng ta đang sẵn có một lớp trẻ hùng hậu xả thân cho lý tưởng “tiết canh, dồi chó...” như thế nào!
Thích ngon miệng, lấy miếng ngon (dồi chó, tiết canh) làm mục đích ở đời nên mới có nạn nhậu nhẹt bê tha, bất chấp khuyến cáo ăn tiết canh và bệnh tật, kể cả sán dây và thổ tả cũng liều mình. Miếng ăn nhiều lúc được lấy làm đầu câu chuyện, trở thành thước đo lòng trung thành với phe cánh hay tình cảm bạn bè thâm giao.
Không nhậu không thành hảo hán! Không nhậu đến “ngoắc cần câu” là không hết mình với bạn bè!... Nếu lo lắng những người mê tiết canh dễ chết vì các loại vi khuẩn được biết và chưa được biết thì cũng chưa nói hết được cái đáng lo. Không phải ai ăn tiết canh cũng mang suốt đời một con sán xơ mít dài 10m trong bụng hay tử vong một cách tệ hại vì thổ tả. Cũng còn rất nhiều người thoát được vi khuẩn và vẫn còn dịp ăn lại tiết canh, dồi chó. Nhưng họ đã chết, đang chết vì điều khác.
Đó là cái chết tinh thần. Nếu một số không nhỏ thanh niên một quốc gia còn kém phát triển vẫn lấy nhậu nhẹt triền miên, lấy miếng dồi chó, bát tiết canh, mải mê ăn chơi, nhậu nhẹt làm “lý tưởng” sống thì tương lai của quốc gia ấy như thế nào? Đã có bài học cay đắng trong quá khứ khi đất nước mất vào tay thực dân Pháp. Cụ Phan Bội Châu ngán ngẩm cho bộ phận thanh niên và tình trạng dân tộc, ngửa mặt lên trời mà than: “Ngẫm như nông nổi nước ta/ Bây giờ mới mất cũng là Trời thương!”
Không biết Trời còn thương những con người ấy đến bao giờ nữa?
Nguyễn Quang Thân