Đó là mô hình “Nhân nuôi nấm xanh Metarhizium anisopliae phòng trừ sinh vật hại trên cây lúa” do Trường ĐH Cần Thơ chuyển giao công nghệ cho bà con trồng lúa các xã trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Cả vụ chỉ tốn gần 20.000 đồng/sàoAnh Võ Văn Nhắc - cán bộ phụ trách sản xuất nông nghiệp xã Lý Nhơn, cho biết: Những năm gần đây, ở khu vực Cần Giờ, dịch hại tấn công trên cây lúa ngày càng nhiều, phổ biến là rầy nâu, sâu cuốn lá… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Chính vì vậy, bà con nông dân trên địa bàn xã phải sử dụng thuốc hóa học để phun xịt. Tuy nhiên, về lâu về dài thì việc dùng thuốc hóa học để ngăn chặn tình trạng trên sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
“Nhận thấy được nguy cơ đó, lãnh đạo UBND xã đã chỉ đạo chúng tôi tìm ra phương án khả thi hơn. Được giới thiệu của Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, chúng tôi đã đặt mua meo nấm xanh Metarhizium anisopliae từ Trường ĐH Cần Thơ rồi phổ biến cho bà con học và làm theo liệu pháp sinh học này để phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Đến nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đều đã biết và ứng dụng thành thạo mô hình phun xịt nấm xanh Metarhizium anisopliae trên lúa, mang lại hiệu quả rất cao về năng suất và chất lượng” - anh Nhắc phấn khởi.
Nông dân xã Lý Nhơn trình bày hiệu quả của phương pháp phun xịt nấm xanh Metarhizium trên lúa cho phóng viên Báo NTNN.
Là người trực tiếp ứng dụng phương pháp “trồng” nấm xanh lên lúa, lão nông Nguyễn Văn Quốc (ấp Lý Thái Bửu) cho biết: “Tôi làm lúa gần 20 năm nay rồi, nếu so sánh giữa sử dụng thuốc BVTV và phun nấm xanh Metarhizium này thì phương pháp phun nấm đạt hiệu quả hơn nhiều. Năng suất lúa trung bình tăng từ 0,3 - 0,5 tấn/ha và đặc biệt là không gây hại cho sức khỏe con người”.
Đồng quan điểm, lão nông Võ Văn Đực, người có hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng lúa cũng khẳng định: “Trước đây khi sử dụng thuốc BVTV, nhiều khi sâu hại cũng không chết do liều lượng không đủ hoặc do bị “lờn” thuốc, trong khi đó bản thân người phun xịt thuốc còn bị xây xẩm mặt mày, thậm chí là nôn mửa do hít phải hơi thuốc. Còn phương pháp phun xịt nấm xanh này thì khá hiệu quả, bản thân lại an toàn và hơn hết là chi phí rất rẻ, chưa tới 20.000 đồng/sào cho cả vụ lúa”.
Sẽ sớm nhân rộng mô hìnhÔng Lê Phước Hồng - Chủ tịch xã Lý Nhơn cho biết: “Hiện chúng tôi đã thẩm định được ưu thế của phương pháp phun xịt nấm xanh Metarhizium trên lúa và sắp tới, chúng tôi sẽ phổ biến đến tất cả bà con nông dân trên địa bàn và xa hơn là các xã lân cận về phương pháp này”. Cũng theo ông Hồng: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ chi phí meo giống để bà con nông dân nghèo yên tâm sản xuất, đồng thời cũng sẽ cử cán bộ nông nghiệp của xã đến từng hộ nông dân để hướng dẫn họ quy trình nuôi cấy nấm xanh này”.
Đại diện khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: “Ruộng lúa có phun nấm xanh, sau thu hoạch vẫn có thể duy trì nguồn nấm trên đồng thông qua các côn trùng bị ký sinh phát sinh ở vụ sau. Khi phun nấm xanh, không phun thuốc trừ sâu hóa học khác nhằm bảo vệ các loài thiên địch trên đồng ruộng”.
|
Anh Võ Văn Nhắc giải thích: “Quy trình làm nấm xanh rất đơn giản:
Đầu tiên là ngâm gạo khoảng 1,5 - 2 giờ, vớt ra để khô ráo. Tiếp đó, cho 0,5kg gạo vào bịch nylon, đặt ống nước cắt khúc 4 phân có quấn bông gòn (loại không thấm), cột miệng lại rồi đem hấp tiệt trùng 2 tiếng.
Sau đó lấy ra để nguội, vệ sinh tủ cấy bằng cồn 70 độ, rạch chia phần meo nấm làm 6 phần, cho mỗi phần vào mỗi bịch gạo. Đem các bịch gạo đó để nơi thoáng mát, mỗi ngày xốc trộn để không bị vón cục và nấm mọc đều, thời tiết mát mẻ thì 3-5 ngày hạt gạo chuyển màu xanh bạc, sau 10 -14 ngày gạo có màu xanh đậm hơn.
Dùng vải mùng lược lấy nước màu xanh chứa bào tử nấm xanh, pha thêm chất bám dính phun ngay lên lúa lúc chiều mát, hoặc sáng sớm nếu trời âm u không nắng gắt”.