Dân Việt

Vùng đất lúa coi “học là nghề”

Bùi Hương 05/08/2013 14:03 GMT+7
Đợt công bố điểm thi ĐH-CĐ 2013, vùng đất lúa Vĩnh Bảo (Hải Phòng) liên tục nhận được tin con em đỗ thủ khoa. Về vùng đất này mới thấy, sự học ở đây được người dân coi như một... nghề.
Vươn lên từ đất lúa

Hỏi bất cứ người dân vùng đất thuần nông Vĩnh Bảo nào cũng có chung một ý trả lời: “Ngoài làm ruộng ra thì chỉ biết học cho thoát nghèo thôi”. Có lẽ vậy nên dù có nghèo túng đến đâu, dù trong nhà chẳng có gì đáng giá, người dân vẫn quyết chạy vạy để lo cho con ăn học. Về Vĩnh Bảo chẳng ngạc nhiên gì khi thấy nhà nào cũng có 1-2 con học đại học.
Chị Loan làm hơn mẫu ruộng để nuôi con trai học đại học và con gái học lớp 10.
Chị Loan làm hơn mẫu ruộng để nuôi con trai học đại học và con gái học lớp 10.

Ông Đoàn Văn Dĩ - ông nội thủ khoa Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương năm 2012 Đoàn Anh Thế cười: “Ông bà mù chữ, còn bố mẹ nó mới học hết lớp 4 thì biết gì mà dạy chứ. Bố mẹ nó chỉ biết ngày đêm vất vả làm mẫu tư ruộng và đi bán dưa để nuôi 2 con ăn học. Anh trai thằng Thế cũng đang học Đại học Bách khoa, trước cũng đỗ 25 điểm đấy. Chúng tôi quan niệm muốn có nghề tốt, thu nhập khá thì phải học giỏi, không thì khổ lắm”.

Không chỉ nhà nhà đua nhau học mà chính xã với xã cũng đua nhau học. Có xã đã đưa “nghề học” trở thành một nghị quyết hoạt động. Ở xã Cổ Am, “nghề học” chính thức được Đảng bộ xã đưa vào Nghị quyết tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25. Đảng bộ đã xác định, đối với Cổ Am, học là một nghề và phát động trong toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm xã lại có thêm khoảng 60 cử nhân, 5 thạc sĩ, 1 tiến sĩ.

Trường có nhiều thủ khoa nhất nước

Sự học và ý chí học ở Vĩnh Bảo thể hiện rõ nét nhất ở Trường THPT Vĩnh Bảo. Những ngày đầu tháng 8 này, tin vui đỗ thủ khoa đại học liên tiếp bay về trường với 5 thủ khoa, 1 á khoa. Thầy Nguyễn Hữu Kiên- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2012, Trường THPT Vĩnh Bảo là trường học đầu tiên tại Việt Nam vinh dự được Tổ chức xác lập kỷ lục gia Việt Nam trao danh hiệu "Trường trung học vùng nông thôn có nhiều thủ khoa nhất cả nước".

Tuy nhiên, con đường học hành của học trò nơi đây còn lắm gian nan. Chị Đỗ Thị Loan, ở xã Tam Đa có con trai là Nguyễn Huy Hoàng đỗ thủ khoa Trường Đại học Lâm nghiệp năm 2012 chia sẻ: “Nhà tôi có 2 con học đại học. Nhà có 5 sào ruộng, mượn thêm 8 sào ruộng của bà con xa để làm thêm, chồng tôi thì đi làm thợ xây, phải làm ngày làm đêm mới kiếm đủ tiền nuôi con”…
Năm 2013, Trường THPT Vĩnh Bảo có 5 thủ khoa và 1 á khoa đại học là: Nguyễn Hải Hà- thủ khoa Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội với 28,75 điểm; Đặng Phạm Phú- thủ khoa Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương với 27 điểm; Nguyễn Thị Nga- thủ khoa Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh với 25 điểm; Phạm Thu Hà- thủ khoa khối A Đại học Hải Phòng với 25,5 điểm; Phạm Tâm Long- thủ khoa Trường Đại học Y Hải Phòng với 28 điểm; Đào Quang Khải đỗ á khoa Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với 27,5 điểm.

Thực tế ở vùng này, nhiều em nhà nghèo, đỗ đại học cũng không có điều kiện đi học. Đó là trường hợp của thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội năm ngoái - em Lê Trung Kiên. Em không có bố, mẹ thì đi biền biệt không về, Kiên ở với bà ngoại trong căn nhà xiêu vẹo ngoài đồng. Cảm thương Kiên, vợ chồng thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và Hồ Thị Lê đã ủng hộ em 3 triệu đồng để em có tiền đến trường. Cũng giống như Kiên, em Đào Thế Khiêm cũng không có bố. Mẹ em làm nông nghiệp lại đau ốm liên miên. Khiêm thi đỗ Đại học Xây dựng Hà Nội và em quyết tâm tự làm thêm để có tiền đi học…

Thầy Kiên cho biết, trường có quỹ khuyến học với 150 triệu đồng để hỗ trợ những học sinh nghèo học giỏi. “Dù con đường học hành có gian nan đến đâu nhưng tôi tin chắc với truyền thống hiếu học, các em học sinh vùng lúa sẽ vươn lên và trở lại xây dựng mảnh đất này thoát khỏi nghèo đói”- thầy Kiên mong mỏi.