Chúng tôi đến thăm lớp học nghề xây dựng mở tại xã Mường Lai. Tham gia lớp học đều là lao động trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định.
Học xong có thể làm nghềCác học viên lớp học cho biết: Những năm gần đây xây dựng phát triển, nhất là các công trình nhỏ phục vụ gia đình như: Nhà tắm, nhà vệ sinh, làm sân và nền nhà bê tông, xây chuồng trại gia súc, gia cầm… Ngày công trung bình của thợ xây từ 150-200 nghìn đồng. Do vậy, khi có thông báo mở lớp nghề xây dựng, người dân xã Mường Lai đăng ký rất đông. Ai cũng có ý thức học tập tốt với mong muốn sau khi học xong sẽ đi làm thợ xây để kiếm tiền.
Nghề học làm tranh đá quý đang thu hút nhiều lao động nông thôn.
Trò chuyện với chúng tôi, học viên Hoàng Văn Điền tâm sự: “Thu nhập của gia đình tôi chỉ trông vào ruộng nương nên rất thiếu thốn. Tham gia lớp học, tôi được trang bị kiến thức cơ bản về xây dựng, được thực hành, chắc chắn sau khi học xong tôi có thể đi làm thợ xây”.
Còn anh Hứa Quang Thiều chia sẻ: “Từ lâu tôi rất mong có một nghề để thêm thu nhập. Sau khóa học, tôi sẽ đi làm thợ xây. Với những kiến thức đã học, tôi có thể tham gia giám sát các công trình xây dựng như đường và nhiều công trình khác mà Nhà nước đầu tư, để công trình đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt nhất cho người dân”.
Theo ông Hoàng Văn Mới - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lai, là địa phương thuần nông, người dân Mường Lai sống chủ yếu dựa vào cây lúa nên thu nhập thấp. Mở lớp dạy nghề tại xã là để giải quyết bài toán về lao động và việc làm cho ND. Từ đầu năm đến nay xã đã mở 2 lớp nghề, gồm lớp trồng nấm rơm và lớp xây dựng. Sắp tới, xã sẽ mở lớp sửa chữa máy nông cụ với 90 học viên tham gia. Các lớp học này rất phù hợp với lao động trong xã vì không cần trình độ cao, đi học có thêm phụ cấp nên người dân tham gia rất nhiệt tình. Có thể khẳng định, sau đào tạo các học viên đều có thể vận dụng kiến thức đã học tìm việc làm, tăng thu nhập, góp phần cùng địa phương xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Lựa chọn nghề để dạyNăm 2013, huyện Lục Yên được giao đào tạo nghề cho 510 lao động theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ đầu năm, Trường Trung cấp nghề Lục Yên đã thông báo kế hoạch tuyển sinh về các xã, đồng thời đề nghị các xã tham mưu, đề xuất những ngành nghề đào tạo.
Trên cơ sở đó, trường lựa chọn các ngành nghề đang có xu hướng phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động sau đào tạo. Với lợi thế là vùng sản xuất và chế biến các sản phẩm từ đá, nghề chạm khắc đá, làm tranh đá quý đặc biệt được trường chú trọng.
Xây dựng là nghề thu hút nhiều lao động và công lao động khá cao nên trường tăng cường mở lớp dạy nghề xây dựng. Các ngành nghề chăn nuôi thú y, thủy sản, trồng trọt, may và sửa chữa máy nông cụ cũng được tập trung đào tạo, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trên cơ sở đảm bảo tăng thu nhập cho người dân.
8 tháng đầu năm 2013, Lục Yên đã đào tạo nghề cho trên 400 lao động, trong đó trường trung cấp nghề đã mở 11 lớp với 313 lao động được học nghề.
|
Riêng 8 tháng đầu năm 2013, Lục Yên đã đào tạo nghề cho trên 400 lao động, trong đó trường trung cấp nghề đã mở 11 lớp với 313 lao động được học nghề. Để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn, các lớp dạy nghề được mở tại các xã; các chế độ chính sách đối với người học nghề được thực hiện nhanh chóng, công khai, đúng quy định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Ngọc Ánh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Lục Yên cho biết: “Hầu hết học viên sau khi học đều tìm được việc làm. Như lớp chạm khắc đá, làm tranh đá quý, học viên có việc làm ngay tại địa phương, nhiều lao động thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Lớp xây dựng đang thu hút học viên do dễ tìm việc, ngày công lao động thấp nhất cũng 150.000 đồng/ngày công. Những ngành nghề khác đều có thể áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất”.