Dân Việt

Buôn làm thuê bên hồ thủy điện

Xuân Trường - Đức Tuấn 23/07/2013 14:36 GMT+7
Buôn Xây Dựng từng một thời giàu có, nay nghèo như nhau, cả buôn chung nghề làm thuê. Mọi người bảo tên buôn đổi rồi, giờ phải gọi là buôn Làm Thuê.
Cái thời giàu có của 141 hộ dân buôn Xây Dựng (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) chỉ mới gần 10 năm trước. Nhà nào cũng thóc đầy kho, bò cả đàn, nhà ít 15-20 con, nhà nhiều cả trăm con. Mới mấy năm mà nay thành chuyện kể bên bếp lửa… ngày xửa… ngày xưa.
My Bun - người đàn bà thấy “con đói là không chịu được”.
My Bun - người đàn bà thấy “con đói là không chịu được”.

Làm thuê… uy tín
Bỏ buổi làm thuê để tiếp nhà báo, Trưởng thôn Kpã Y Luân (Ma Huyền) tiếc lắm, anh phân trần: "Không muốn bỏ đâu, nhận việc rồi phải… uy tín". Hơn 300 lao động ở buôn Xây Dựng bây giờ nghề làm thuê là sinh kế chính: Làm mì (sắn), mía, bắp (ngô), cà phê, điều… đụng việc gì làm việc ấy.

Ở đâu cũng cố làm cẩn thận giữ lấy… mối hàng. Thời buổi thông tin, cái phôn nhà nào cũng có vài chiếc, không phải để buôn chuyện mà để nghe khách gọi đặt người. Ban ngày hơn trăm nóc nhà của buôn vắng heo hắt, người lớn đi làm có khi mang theo cả trẻ con. Ma Huyền bảo: "Đói ít thôi, chỉ lo nghèo riết… Đi làm thuê lấy tiền thừa của người ta sao mà giàu được".

Cuộc dâu bể của buôn Xây Dựng bắt đầu từ năm 2006, khi tiến hành di dời toàn buôn nhường đất làm Thủy điện Sông Ba Hạ. Đất canh tác mất "cơ bản là hết", tiền đền bù nhà nhiều được cái nhà xây, cái xe máy, nhà ít vẫn cứ nhà sàn. Lên nơi ở mới đất canh tác không có (đến năm 2012 mới khai hoang được 21ha ruộng lúa cho 79 hộ dân), bãi chăn thả cũng không có, đàn bò cả nghìn con lần lượt "về đồng bằng" theo thương lái. “Không ruộng làm, chơi nhiều, ăn núi cũng hết" - Ma Huyền bảo.

Cảnh triệu phú xưa, nay rớt xuống nghèo ở buôn Xây Dựng không thiếu. Cựu chiến binh A Lé Y Lô (Ma Hoàng, 55 tuổi) trước có 70 con bò, năm thu 4 tấn lúa. Về bản mới ruộng hết, chỗ nuôi bò không có, bán lần hồi gần hết đàn bò. Vợ chồng Ma Hoàng đi làm thuê kiếm sống qua ngày, gia đình nay vào diện cận nghèo. Ma Hoàng chắc không rơi đến hộ nghèo vì tiền bán bò ông dành nuôi con đi học, đã có 4 người con trưởng thành. Người biết “chuyển bò sang chữ” như Ma Hoàng không nhiều, phần chính bán bò… mua các thứ, cả uống rượu… rồi cũng hết.

Ở chơi mãi cũng buồn, thiếu cái rẫy không chịu được, cả buôn rủ nhau vào rừng phát rẫy, nói thẳng… nhà nào cũng đi. Rừng phòng hộ Suối Trai bị phá nham nhở. Hỏi ông Kpã Thinh - Chủ tịch xã Suối Trai - có bao nhiêu rừng bị phá, ông bảo: “Thiếu đất nên người ta vào rừng phá thôi, bao nhiêu không thống kê được, người ta làm lén, không báo với mình”. Năm 2010, phong trào phá rừng lên cao, huyện ra tay, bắt và xử điểm, bỏ tù 2 người.

Cũng chỉ ngăn được bề nổi, việc phá rừng làm rẫy hay lén khai thác gỗ vẫn âm ỉ. Làm chui, làm lén, phá mất nhiều chứ được không bao nhiêu. Mỗi miếng rẫy chui vài trăm đến vài ngàn mét vuông, cũng chỉ làm cho “đỡ nhớ cái rẫy”, việc chính là đi làm thuê. Bảo nhau cố làm cho có “uy tín” để giữ lấy… “nghề”, cái “nghề” có được sau khi doanh nghiệp về khai dòng vàng trắng trên vùng đất quê hương.

Chuyện hai người đàn bà


Kso Hờ Chai (My Bun, 51 tuổi) mới ra tù. Chị được ra tù sớm 5 tháng trong án tù 3 năm vì tội phá rừng. Năm 2010, quá bứt rứt vì không có cái rẫy, như “cá không có nước, sống sao được”, với lại “nhìn con không có lúa ăn, không chịu được” - My Bun nói, chị theo mọi người vào phá rừng làm rẫy. My Bun “làm chăm chỉ” phá cả miếng rừng gần 1ha. Ngoài cái lỗi… chăm chỉ, chị thêm cái lỗi… thật thà quá, cán bộ kiểm lâm hỏi bao nhiêu nói hết không giấu gì.

Rừng phá bị bắt quả tang, lời khai giấy trắng, mực đen cũng đủ cả. Người em con dì của My Bun cũng mắc cái tội như chị, phải ra tòa vì tội phá rừng. Chị chịu án tù 3 năm, cậu em 5 năm. Ở tù ngày nào chị cũng mong được về nuôi con. Có lần chị hỏi giám thị: “Tay tao để làm việc nuôi con, sao lại bắt cái tay tao nó chơi thế này?”.

Trước khi chị đi tù, nhà còn 30 con bò. Tháng 1 lần, chồng chị lên thăm tiếp tế cho chị, mỗi chuyến đi như thế mất 2-3 triệu đồng, rồi nuôi 7 đứa con. Ngày chị ra tù đàn bò cũng hết, chỉ may các con “nguyên vẹn”, con gái lớn đang đi học cao đẳng sư phạm.


Ma Huyền nói: Khi vận động dân đi, doanh nghiệp, chính quyền hứa nhiều lắm, nào là sẽ làm thủy lợi khai hoang ruộng lúa nước, đầu tư dạy nghề cho dân… Cuộc sống sẽ tốt hơn… Xưa buôn mình thuê người đến làm, nay cả buôn đi làm thuê. Buồn thúi ruột mà biết kêu ai.
My Bun cùng chồng bây giờ vẫn chăm chỉ như xưa, nhưng là chăm chỉ đi làm thuê, vẫn bởi “con đói là không chịu được”. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, My Bun thỉnh thoảng lại nhìn về phía lòng hồ. Trong làn nước trong vắt ấy có cả chục hécta đất của gia đình chị, nơi… ngày xửa… ngày xưa, nhà chị không bao giờ thiếu thóc, không bao giờ nghèo.

A Lê Hơ Doan (41 tuổi) vốn đã nghèo từ xưa, chị lỡ làng một đời chồng, lầm lũi làm thuê nuôi mẹ già, con dại. Rồi một người đàn ông đến với cuộc đời chị, anh ta hình như có tên là Thoát, quê Thanh Hóa, cũng chừng 45 tuổi, làm công nhân thủy điện, trọ gần nhà chị. Người đàn ông ấy nói đã bỏ vợ ở quê, muốn ở hẳn lại trên này.

Quen nhau ít lâu thì hai người… gắn bó, cảnh rổ rá cạp lại, chị không làm đám cưới, ngại vì bắt chồng mất… mấy con bò, đăng ký cũng không luôn. Hơ Doan có thai đến tháng thứ 3, “báo cho chồng, tưởng nó mừng ai ngờ nó mất tích luôn” - chị nói. Qua một số người, Hơ Doan biết “chồng chị” đợt ấy bỏ sang huyện bên làm, rồi nay chuyển lên Gia Lai, cũng vẫn làm công trường. Cháu bé năm nay đã 3 tuổi, bắt đầu đi mẫu giáo. Giờ chị chỉ biết đi làm thuê nhiều hơn để thêm phần nuôi con.