Và lần đầu tiên, cuộc thi mở rộng đối tượng tham gia tại khu vực châu Âu với hơn 100 thí sinh tại Nga, Đức, Bỉ, Pháp, Ba Lan, Hungari, Cộng hòa Czéch.
Thêm 7 thí sinh châu ÂuNăm 2013 là mùa thứ 9 của giải Sao Mai được tổ chức. Theo NSƯT Huyền Thanh - Phó Ban tổ chức, giải Sao Mai 2013 có số lượng thí sinh đông hơn so với mọi năm, với lượng thí sinh tham gia tại khu vực miền Bắc là hơn 700 thí sinh (đăng ký dự thi tại Hà Nội và tại 18 Đài PTTH các tỉnh, thành), khu vực miền Trung – Tây Nguyên là hơn 400 thí sinh, khu vực miền Nam có hơn 300 thí sinh.
Đặc biệt, năm nay chương trình nhằm đổi mới nội dung cũng như chất lượng và lần đầu tiên mở rộng đối tượng tham gia tại khu vực châu Âu với hơn 100 thí sinh tại các nước như Nga, Đức, Bỉ, Pháp, Ba Lan, Hungari, Cộng hòa Czéch.
Các thí sinh trong vòng chung kết Sao Mai 2013 tại châu Âu.
Tuy nhiên, một điều đáng tiếc cho các khán giả Hà Nội là năm nay, không có thí sinh nào của thủ đô lọt vào vòng chung kết (gồm 34 thí sinh). Giải thích điều này, NSƯT Huyền Thanh cho rằng, vì chất lượng của các thí sinh thủ đô năm nay rất kém, chưa kể số lượng tham gia cũng ít hơn mọi năm, mà tiêu chí của Sao Mai là về chất lượng nên không thể gượng ép.
Bởi vậy có những địa phương như Thanh Hóa hay Nghệ An có đến 3 thí sinh lọt vào chung kết; hay như ở miền Nam dòng nhạc nhẹ lượng thí sinh lại đông hơn. Vòng chung kết các khu vực đã lựa chọn được 9 thí sinh đại diện cho 3 phong cách âm nhạc có số điểm cao nhất tại 3 khu vực là miền Nam – Trung – Bắc và 7 thí sinh khu vực châu Âu.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, nhạc sĩ Tuấn Phương - Phó Ban tổ chức giải cho biết, mặc dù lần đầu tiên tổ chức tại nước ngoài, nhưng giải Sao Mai 2013 đã khích lệ niềm đam mê ca hát của thế hệ trẻ, qua đó cũng gắn kết các bạn trẻ hơn với quê hương, giúp các bạn thêm yêu tiếng Việt. Vì thế mà đã có rất nhiều kiều bào nhiệt tình tham gia, đặc biệt có nhiều em còn rất trẻ không biết tiếng Việt, đến dự thi vừa hát vừa khóc vì tiếng Việt không được sõi.
Cuối cùng Ban tổ chức cũng đã lựa chọn được 7 gương mặt xuất sắc nhất từ các nước châu Âu về tham dự chung kết toàn quốc tại Hải Phòng. Đó là Lê Văn Hoàng và Martina Thủy (Cộng hòa Czéch), Võ Hồng Quân (Pháp) thi dòng thính phòng, Hồ Thanh Tùng (LB Nga) dòng dân gian, Phùng Đình Ngọc Tâm (CHLB Đức), Âu Nguyễn Thanh Nguyên (Pháp) và Nguyễn Ngọc Thúy (CHLB Đức) thi dòng nhạc nhẹ.
Theo Ban tổ chức, mỗi thể loại như thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ đều sẽ chọn 3 thí sinh vào chung kết xếp hạng. Nếu trường hợp thí sinh bằng điểm nhau thì sẽ căn cứ vào lượng tin nhắn của khán giả trong đêm thi đó vào 15 phút cuối và chỉ công nhận 5 tin cho mỗi thí sinh để loại bỏ những tin nhắn sim rác.
Không cần giám khảo “hot”Cũng theo NSƯT Huyền Thanh, năm nay chương trình cũng có một điểm mới nữa, đó là 5 giám khảo thay vì ngồi trong phòng kín thảo luận và bỏ phiếu kín thì sẽ chấm điểm trực tiếp mà không cần bình luận hay phân tích. Bởi theo bà Huyền Thanh, việc chấm điểm trực tiếp sẽ tạo được sức hấp dẫn, độ nóng cũng như sự gay cấn hơn, ngoài ra cũng thể hiện tính công khai, minh bạch và để khán giả có thể nhìn nhận, đánh giá sự công tâm của các giám khảo.
Vòng chung kết toàn quốc diễn ra từ ngày 1 đến 31.8 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Tiệp, TP. Hải Phòng, được truyền hình trực tiếp vào lúc 20 giờ trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam lần lượt vào các đêm 10,17, 25 và 31.8.
|
Có thể nói, chấm điểm trực tiếp vừa là thách thức nhưng cũng là nâng cao trách nhiệm của các giám khảo trong giải Sao Mai năm nay.
Về sự lựa chọn giám khảo, theo NSƯT Huyền Thanh, vài năm trở lại đây, việc nở rộ các chương trình truyền hình thực tế đã khiến các nhạc sĩ, ca sĩ, người mẫu… nổi tiếng trong các lĩnh vực đảm nhận vị trí giám khảo nên Sao Mai cố gắng để không bị trùng lặp.
Đại diện Ban tổ chức cho biết, Sao Mai là một chương trình chính thống, có sự đào tạo bài bản và là chương trình thiên về chất lượng, về giọng hát, chứ không phải thiên về giải trí nên không quá đề cao yếu tố “hot” của giám khảo như các chương trình khác. Giám khảo của Sao Mai sẽ là những người có uy tín, trách nhiệm, có chuyên môn giỏi và có kinh nghiệm lâu năm. Vì vậy, đa phần giám khảo sẽ là các thầy, các cô, những nghệ sĩ có tên tuổi trong làng nhạc Việt.
Về chất lượng thí sinh so với năm trước, NSƯT Huyền Thanh cho rằng, năm nay giải Sao Mai hoàn toàn tin tưởng sẽ có một lứa thí sinh đủ tầm và xứng đáng. Tuy nhiên theo NSƯT Huyền Thanh, việc để những thí sinh đoạt giải phát triển lâu dài thì cần sự nỗ lực của bản thân họ rất nhiều, chứ không thể nào sau giải Sao Mai, các thí sinh có thể thành sao ngay được.
“Giải Sao Mai chỉ là cánh cửa mở ra, là bệ phóng cho các thí sinh, còn để trở thành một người nghệ sĩ đích thực, thành một ngôi sao ca nhạc đúng nghĩa cần phải có thời gian...” - bà Huyền Thanh nói.