Kết quả giám sát mới đây của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy, các dự án thủy điện đã gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế, môi trường và xã hội cho khu vực này, không thể khắc phục trong một vài năm.
Vụ di dân khẩn cấp khỏi Thủy điện Đăk Đring 2 ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum chỉ là một trong nhiều dự án chậm trễ tái định cư, tái canh mà Ban chỉ đạo Tây Nguyên phát hiện trong đợt giám sát vừa qua. Đến nay, tuy 217 hộ với 933 người thuộc 7/10 thôn làng của xã Đăk Nên đã chuyển lên khu tái định cư, song đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết nhà ở, đường giao thông, nước sinh hoạt... đều đang xây dựng dở dang, mặc dù theo kế hoạch Thủy điện Đăk Đring 2 sẽ tích nước vào cuối tháng 8.
Anh A Nhuân - ở làng Xô Luông - cho biết: "Gia đình mình chuyển về khu tái định cư hơn 10 ngày rồi, vẫn màn trời chiếu đất. Lại mưa bão triền miên, cứ thế này chắc không trụ được lâu...".
Tương tự Đăk Đring, Thủy điện Sêrêpốk 3 ở huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) vẫn chưa hoàn thành hạ tầng khu tái định canh như đường giao thông, điện, nước nên dân không sản xuất được. Cũng tại Buôn Đôn, Thủy điện Sêrêpôk 4a thi công đổ thải lên đất nông nghiệp của 20 hộ dân chưa đền bù, nổ mìn làm nứt hàng loạt nhà dân, xây cầu thấp hơn mặt đường... khiến người dân bức xúc cản trở thi công.
Trong khi đó, nhiều dự án thủy điện khác lại dây dưa nợ tiền đền bù, nợ đất sản xuất của dân, điển hình là Thủy điện Đồng Nai 3 ở huyện Đăk G'long (Đăk Nông). Trong khi thời hạn hỗ trợ lương thực đã hết, đời sống người dân vẫn hết sức khó khăn vì không có đất sản xuất. Ban quản lý Dự án Thủy điện 6 khai hoang 856ha từ năm 2009, nhưng phần lớn đất quá xấu hoặc bị lấn chiếm nên không thể cấp.
Ngoài ra, 100ha đất của dân không nằm trong danh sách đền bù, nhưng khi thủy điện tích nước thì bị ngập. 400ha khác nằm trên cốt ngập lòng hồ, nhưng do cách xa khu tái định cư đến 40km nên dân không canh tác được, EVN đã cam kết đền bù nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Như vậy Thủy điện Đồng Nai 3 còn nợ người dân 250ha đất tái định canh và tiền đền bù 600ha đất bị thu hồi.
Kết quả giám sát mới đây của Ban chỉ đạo Tây Nguyên còn cho thấy năng lực quy hoạch, cấp phép, quản lý thủy điện vừa và nhỏ của chính quyền cấp tỉnh rất yếu kém. Thậm chí có tình trạng xem nhẹ quản lý quy hoạch, cấp phép dễ dàng.
Hầu hết các thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên đều đóng góp nguồn điện rất thấp (theo quy hoạch ban đầu, toàn vùng có tới 422 dự án thủy điện vừa và nhỏ, nhưng tổng mức đóng góp điện năng chỉ chiếm 29,1%, còn lại 63 thủy điện lớn chiếm 71,9%).
Theo ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hệ lụy do thủy điện gây ra không thể khắc phục một sớm một chiều, mà phải tiếp tục giải quyết trong nhiều năm tới.